Doanh nghiệp Việt có dùng trực tuyến để gỡ khó?
Big C chung tay bình ổn giá thịt lợn / Apple phối hợp với Google phát triển công nghệ theo dõi tiếp xúc người nhiễm COVID-19
Theo một khảo sát mới đây tại Việt Nam do Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện, có 78% người được khảo sát cho biết họ đã giảm tần suất ra ngoài do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, và hơn 80% giảm các hoạt động giải trí, gặp gỡ bạn bè, ăn uống.
Dịch vụ trực tuyến “lên ngôi”
Song song đó, tần suất sử dụng các phương tiện truyền thông như Internet, tivi tăng, việc sử dụng dịch vụ giao thức ăn tại nhà cũng tăng.
Và qua cuộc khảo sát này có thể thấy dịch vụ truyền hình trực tuyến được cung cấp đa dạng như FPT Play, Zing TV, WeTV, Netflix, K+, VTV Cab On... gần như “lên ngôi” khi mà điện thoại thông minh (76%) và tivi thông minh (73%) là những thiết bị được sử dụng nhiều nhất khi xem các video trực tuyến.
Ngoài ra, khi khảo sát về xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam năm 2020 của Q&Me thấy rằng các trang thương mại điện tử cũng dần trở thành một kênh quan trọng với 73% đã từng mua sắm mỹ phẩm tại đây.
Hoặc từ một kết quả đo lường mức độ sử dụng ứng dụng thanh toán trên điện thoại tại Việt Nam thì có đến 97% nhận biết ứng dụng ví điện tử Momo, tỷ lệ nhận biết các ứng dụng thanh toán điện tử khác như ZaloPay và ViettelPay lần lượt là 68% và 62%.
Trong thị trường thanh toán điện tử, Momo được ghi nhận đang chiếm 68% ở thị trường Việt Nam hiện tại, tiếp theo sau là ViettelPay, Moca và AirPay.
Qua thăm dò của Thời báo Kinh Doanh với một nhóm người tiêu dùng ở Tp.HCM, đa phần cho rằng giữa mùa dịch Covid-19 thì việc dễ sử dụng, thanh toán nhanh và tiện lợi là những yếu tố khiến họ sử dụng ứng dụng thanh toán chuyển tiền và thanh toán khi mua sắm trực tuyến.
Những người đang sử dụng ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh bày tỏ sự hài lòng vì giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng khi mua hàng trực tuyến.
Kết quả thăm dò cho thấy 79% sử dụng ứng dụng di động để mua sắm trực tuyến. Điều này dẫn đến tần suất và chi tiêu cao hơn trong nhóm đối tượng người có mua sắm trực tuyến.
Theo Ts. Phạm Công Hiệp (Đại học RMIT Việt Nam), nhiều DN đang ứng phó với Covid-19 bằng cách chuyển dịch vụ của mình lên các nền tảng trực tuyến.
Hoặc như nhiều công ty trong mảng quản lý tòa nhà ở Tp.HCM gần đây đã kịp thời công bố khởi động các ứng dụng trực tuyến nhằm giúp các quy trình thanh toán, sửa chữa, đăng ký dịch vụ, cứu hộ, cung cấp thông tin,...
Giới chuyên gia nhận định trong ngắn hạn 6-12 tháng tới, khi dịch Covid-19 diễn biến khó lường, các ứng dụng công nghệ trực tuyến của DN sẽ có nhiều điều kiện tiếp cận người dùng hơn và có cơ hội phát triển tốt hơn trong điều kiện bình thường.
Giải pháp tình thế?
Bên cạnh đó, việc gia tăng mạnh mẽ xu hướng làm việc trực tuyến từ xa trên toàn cầu là điều mà các DN Việt cần lưu tâm trong lúc này để gỡ khó trước dịch Covid-19.
“Chúng ta chứng kiến việc “ông lớn” thương mại điện tử Tiki đã áp dụng chính sách làm việc từ xa cho hàng nghìn nhân viên của mình từ ngày 15/3/2020. Chỉ một ngày sau đó, DN gọi xe trực tuyến Be Group cũng đưa ra các biện pháp tương tự”, Ts.Phạm CôngHiệp cho biết.
Một đánh giá cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, ứng dụng họp trực tuyến Zoom ở Việt Nam đã tăng 67% do các trường học, tổ chức và DN áp dụng nền tảng này cho làm việc, hội họp và đào tạo từ xa để đối phó với đại dịch Covid-19.
Hay như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) trong mùa dịch đã đưa ra các gói cước tích hợp các dịch vụ số cho làm việc trực tuyến từ xa như VNPT iOffice (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử), VNPT e-Cabinet (Phòng họp không giấy tờ), VNPT Meeting (Hội nghị truyền hình), VNPT CA (Chứng thực chữ ký số công cộng) và VNPT Ký số.
Ông Hiệp dẫn lại báo cáo của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDC năm 2015 dự đoán rằng 72% người lao động Mỹ sẽ làm việc từ xa vào năm nay (2020). Còn khảo sát năm 2016 của McKinsey cho biết 45% người được phỏng vấn nhận thấy các công nghệ tương tác xã hội được tích hợp rất hoặc cực kỳ sâu vào công việc hàng ngày tại DN của họ.
Từ những dự báo này, cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 năm nay có thể sẽ khiến những con số trên tăng lên nhiều hơn nữa, khi các DN trên toàn thế giới đang chuyển từ mô hình làm việc chung trong văn phòng sang làm việc tại nhà, hay còn gọi là làm việc từ xa.
Theo Ts.Phạm CôngHiệp, mô hình làm việc trực tuyến tại nhà đem đến nhiều lợi ích cho các DN, không chỉ trên phương diện tăng năng suất, giảm chi phí hoạt động và giảm thiểu gián đoạn hoạt động.
Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là đa số DN Việt vẫn chỉ xem đây là “giải pháp tình thế” trước ngoại cảnh không thể tránh khỏi, chứ không phải lựa chọn khả thi lâu dài. Ts.Phạm CôngHiệp lưu ý điều này có thể do một số quan ngại về tính hiệu quả chưa được kiểm chứng.
Điều quan trọng là các chủ DN trong nước cần thay đổi tư duy trong việc sử dụng các công cụ trực tuyến nhằm nâng cao khả năng phục hồi của DN trước những gián đoạn mà họ đã và sẽ gặp phải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo