Hỗ trợ doanh nghiệp

Tài chính cho SME và start-up: Hỗ trợ từ Chính phủ chưa hẳn đã tốt bằng nhà đầu tư thiên thần

DNVN - Tỷ phú Axel Schutze, Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới, đã nhận định như vậy tại Hội thảo “Tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra vào sáng 06/3 tại Hà Nội.

Tổng cục Thuế hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp / Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội: Tất cả đều chung chung, chưa cụ thể hóa

Tại Hội thảo “Tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do BK Holdings - Đại học Bách Khoa phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội) và Cộng đồng các nhà cố vấn chuyên nghiệp (iMentor) tổ chức, ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Sở KH & ĐT cho biết: Tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng bởi hiện nay đa số các DN này đều thiếu vốn.
Với đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, ông bày tỏ mong muốn sẽ phối hợp với cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư để tạo mạng liên kết sinh thái thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, chia sẻ, giúp đỡ nhau về ý tưởng khởi nghiệp.
"Chúng tôi luôn đồng hành cùng các DN, và tại hội thảo này các chuyên gia sẻ chia sẻ kinh nghiệm về tài chính, quản trị DN hay các ý tưởng sáng tạo cũng như các vấn đề khác nhằm giúp các DN thành công", ông Quân phát biểu.
Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết, sau một thời gian dài nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài đã nhận ra rằng không chỉ nguồn tiền hỗ trợ cho các SME cũng như start-up mới quan trọng, mà vấn đề là phải đưa cho các DN này công cụ để làm sao họ thực hiện các ý tưởng ra thị trường một cách thành công.
Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Theo bà Lan, vấn đề hỗ trợ tài chính cho các SME và khởi nghiệp thực sự là áp lực, là việc rất khó, không thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ. Vấn đề không phải là cho các start-up rất nhiều tiền để phát triển, mà điều quan trọng là xây dựng hệ sinh thái này như thế nào để tồn tại và phát triển.
"Năm 2016 chúng tôi trình Chính phủ đề án hỗ trợ chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đề án này có 4 mục tiêu chính, đó là năng cao năng lực không chỉ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) mà cả các thành viên của DNKN; kết nối các tổ chức này ở VN; kết nối tổ chức này ra quốc tế; rà soát tất cả các chính sách dành cho DNKN xem còn thiếu những gì để bổ sung", bà Lan chia sẻ.
Hiện có trên 30 địa phương đã có đề án riêng dành cho DNKN. Và Hà Nội kỳ vọng sẽ có 1 đề án rất "hoành tráng" để có được nguồn lực thích đáng thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm về tài chính cho các SME và đặc biệt là các start-up, tỷ phú Axel Schutze - Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới cho rằng, những khoản hỗ trợ từ Chính phủ chưa hẳn đã tốt, đồng thời nhắc tới khái niệm nhà đầu tư (NĐT) thiên thần.
Theo tỷ phú này, NĐT thiên thần là người sẵn sàng đầu tư vào một mới mới phát triển. Đôi khi những start-up muốn nhận khoản hỗ trợ từ Chính phủ, song khoản hỗ trợ này chưa hẳn đã tốt bằng NĐT thiên thần.
"Khi đầu tư là họ mạo hiểm, họ cần công ty của ta thành công, vì mình thành công thì họ thành công. Do đó, cần có chiến lược đầu tư tốt. Tôi là một NĐT và tôi cũng có một công ty. Quan điểm của tôi vừa đứng trên góc nhìn của NĐT vừa là quan điểm của DN", ông
Axel Schutze nói.
Về chiến lược đầu tư, vị tỷ phú này cho rằng phải đầu tư thông minh, tuyệt đối không được dựa theo cảm xúc.
Tỷ phú Axel Schutze - Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới

Tỷ phú Axel Schutze - Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới

"Chúng ta chỉ thực sự tạo ra giá trị khi mang ý tưởng đó ra thị trường. Vòng đời của con người có 30.000 ý tưởng, trong đó chỉ có một số trở thành hiện thực. Phải xem ý tưởng đó có thành hành động hay không", tỷ phú chia sẻ.
Theo ông, các NĐT Việt Nam nên tìm kiếm càng nhiều start-up càng tốt để có lựa chọn. Nên thành lập nhóm thiên thần, tập hợp các NĐT của các DN mới được khởi tạo. Sau đó, cần lựa chọn việc kết hợp một start-up phù hợp với một NĐT phù hợp.
Ngoài ra, yếu tố cần để ý là lựa chọn các start-up có các nhà thành lập tốt. Đánh giá lựa chọn vào các nhà thành lập là sự lựa chọn thông minh. Khi đó việc đầu tư sẽ ít rủi ro hơn.
Trong bối cảnh kinh tế phát triển không ngừng, nam tỷ phú này cho rằng các SME và start-up cần phải nâng tầm để thu hút NĐT nước ngoài, qua đó giúp DN phát triển, đóng góp vào GDP của VN, đồng thời cho đối thủ thấy mình có sức cạnh tranh toàn cầu. Không nên nghĩ thị trường gần 100 dân trong nước là lớn rồi. Thay vào đó cần nghĩ đến việc vươn tầm quốc tế.
Bên lề hội thảo, chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA, cho rằng bài toán tài chính vẫn là điều đau đầu với câc SME và start-up.
"Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn chủ yếu liên quan đến tài chính. Đa phần các chủ DN hiện nay không giỏi về tài chính, không lên được kế hoạch chi tiêu tài chính như thế nào cũng như kinh doanh lỗ hay lãi, chủ yếu xuất phát tự kinh nghiệm của mình là chính".
Để tháo gỡ vướng mắc đó, ông Tiến Anh phải tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm trong vấn đề tài chính. Tuy nhiên, ông cho rằng, không nhiều các start-up có duyên gặp được những chuyên gia này. Bài toán về tài chính vẫn là điều đau đầu với các DNNVV và start-up.
Nói về giải pháp tiếp tục huy động vốn của các NĐT, ông Tiến Anh cho biết: Công ty đã đưa ra các giải pháp huy động vốn từ các NĐT. Thứ nhất là chiến lược sản phẩm. Theo đó, tập trung vào sản phẩm cốt lõi hơn và tập trung hơn nữa vào việc tạo thương hiệu sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đưa những sản phẩm chủ lực ra ngoài thị trường để thu hút khách hàng.
Theo ông Tiến Anh, hiện Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho DNNVV và các start-up. Điều quan trọng là các DN cần có sự năng động hơn, hoàn thiện mình hơn để đi xa hơn trong việc kêu gọi vốn cả trong và ngoài nước, qua đó giúp DN trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Bài, ảnh: Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm