Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ 'đói' nguyên liệu

Dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng ra nhiều quốc gia đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam không thể mua được nguyên liệu.

Central Retail tại Việt Nam trao tặng 4 phòng cách ly áp lực âm chống dịch Covid-19 / Đề nghị các DN sản xuất khẩu trang y tế với công suất tối đa

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 2/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này là do sự phục hồi xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, ASEAN, Canada và Ai Cập.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang thiếu nguyên liệu (Ảnh: Internet)
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang thiếu nguyên liệu (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, xu hướng này dự kiến sẽ không kéo dài do các doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu và dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp cá ngừ.

Cụ thể, từ tháng 3/2020, do dịch bệnh bùng phát tại một số thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam như Mỹ, Italia và Tây Ban Nha đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ.

Hơn nữa, giá cá ngừ trên thị trường thế giới lại đang có xu hướng tăng cao (tăng 50% so với cuối năm 2019) do sản lượng đánh bắt thấp càng khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. Hiện tại, doanh nghiệp phải mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm nguyên liệu sang các nước và khu vực khác để tăng thêm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, tình hình vận chuyển hàng hoá cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyến tàu bị trì hoãn nhiều ngày, thậm chí bị huỷ chuyến. Các hãng tàu biển cắt giảm các chuyến tàu, thay đổi hành trình và cảng đến làm cho thời gian vận chuyển dài, doanh nghiệp bị phát sinh nhiều chi phí. Việc nhập khẩu và thông quan hàng hóa ở các nước bị ngưng trệ, lệnh phong tỏa ở một số nước làm các cảng biển bị ùn ứ gây thiếu container lạnh ảnh hưởng đến giao hàng của doanh nghiệp. Một số hãng tàu thông báo áp phí thay đổi cảng chuyển tải, tăng cước phí và lịch tàu cũng không ổn định.

 

Ngoài ra, do lệnh phong tỏa của nhiều nước, một số nước không cấp được chứng từ gốc (như H/C gốc, C/O gốc...) nên nhiều khi các container hàng đã về cảng nhưng doanh nghiệp không đưa được hàng về vì chưa nhận được chứng từ gốc của nhà nhập khẩu gửi. Quá trình xuất khẩu hàng sang các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự vì nguyên nhân chứng từ gốc đến chậm hơn các container hàng. Điều này vô hình trung đã khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.

Nếu trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn xấu, các doanh nghiệp cá ngừ nói riêng và hải sản nói chung trong thời gian ngắn (tới tháng 5- 6/2020) sẽ có những khó khăn về vốn vì liên quan đến dự trữ hàng, khó khăn về nguyên liệu vì không đủ cho sản xuất – xuất khẩu.

Trước tình hình này, Vasep khuyến nghị, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất quy mô nhỏ, nếu cầm cự được phải có phương án tài chính tốt hơn. Và các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, các quy định nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi sống và đông lạnh tại các thị trường giảm. Người tiêu dùng trên thế giới, như Mỹ, EU,… có xu hướng tăng cường tích trữ các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, bảo quản được lâu như cá ngừ hộp. Do đó, các doanh nghiệp nên xem xét chuyển hướng sang sản xuất đồ hộp để đón nhận được xu hướng nhu cầu tiêu thụ và ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm