Hỗ trợ doanh nghiệp

Đưa nông sản sang Thụy Sỹ: Phải tìm cách chế biến sâu

DNVN - Tại thị trường Thụy Sỹ, các sản phẩm vốn là thế mạnh của nước ta chưa xuất hiện trên kệ siêu thị của người dân bản địa. Nhiều sản phẩm ghi là sản phẩm của Việt Nam nhưng quốc gia sản xuất lại là Thái Lan. Để đưa được hàng sang Thụy Sỹ, doanh nghiệp Việt phải tìm cách chế biến sâu.

Bình Phước “níu chân” nhà đầu tư Đài Loan với nhiều cơ hội mới / Miễn phí trưng bày sản phẩm đặc trưng Đà Nẵng tại Diễn đàn Routes Asia 2022

Nhiều trở ngại
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hôm 20/4, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Thụy Sỹ đã phát triển hết sức tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng 1,53 tỷ USD vào năm 2015 lên 2,4 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam luôn duy trì được xuất siêu sang thị trường Thụy Sỹ.
Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ đạt 1,878 tỉ USD. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ tuy đã được trải rộng với hơn 300 mặt hàng. Tuy nhiên kim ngạch vẫn tập trung chủ yếu vào máy móc thiết bị điện và linh kiện; giày dép; dệt may; nông sản thực phẩm; máy móc và thiết bị cơ khí. Khả năng phát triển các mặt hàng mới và mở rộng diện mặt hàng xuất khẩu hàng năm vẫn còn hạn chế.
Trong đó, xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sang Thụy Sỹ tập trung vào thủy sản, cà phê, thực phẩm chế biến, hạt điều... Đây được coi là những mặt hàng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Lê Hoàng Tài chỉ ra những trở ngại khi xuất khẩu sang Thụy Sỹ.
"Thụy Sỹ là thị trường cao cấp, rất khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm nhập khẩu cao. Vì vậy để tiếp cận sâu, có chỗ đứng ở thị trường Thụy Sỹ đòi hỏi các nhà xuất khẩu Việt Nam phải có trình độ về kỹ thuật cũng như phương thức quản lý chuyên nghiệp, uy tín. Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản sang Thụy Sỹ còn phải chịu các quy định chặt chẽ đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, VSATTP. Đây là một trong những rào cản thương mại lớn đối với hàng hóa chất lượng vừa và thấp của những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam",
Phân tích về những trở ngại khi xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản, sang thị trường này, ông Nguyễn Đức Thương - Tham tán thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, Thụy Sỹ tuy mở cửa cho các sản phẩm công nghiệp nhưng bảo hộ đối với ngành nông nghiệp.
Quản lý chất lượng và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống cảnh báo nhanh nhạy. Dung lượng thị trường không lớn đối với nhiều nông sản có thế mạnh của Việt Nam. Nếu xuất khẩu sang Thụy Sỹ, hàng Việt phải cạnh tranh với nhiều nước, đặc biệt là các nước đã có FTA và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
"Một trở ngại nữa đối với nhà xuất khẩu nông sản thực phẩm nước ngoài vào Thụy Sỹ, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nằm ở chính sách của các hệ thống bán lẻ. Hai chuỗi siêu thị bán lẻ nông sản thực phẩm lớn nhất là Migros và Coop chiếm khoảng 65% doanh số thị trường bán lẻ nông sản thực phẩm Thụy Sỹ. Các chuỗi bán lẻ này thường ưu tiên bán sản phẩm được sản xuất trong nước và các sản phẩm mang thương hiệu của họ hơn là các sản phẩm nhập khẩu hoặc có thương hiệu nước ngoài" ông Thương nói.
Cơ hội nào cho nông sản, thực phẩm Việt?
Cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, bà Nguyễn Thị Thục - Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sỹ (SVBG) - đơn vị đang tìm hiểu mảng xuất khẩu nông sản vào thị trường Thụy Sỹ cho biết, là đất nước có thu nhập cao, chi tiêu lớn, nên hàng hóa của Thụy Sỹ đắt đỏ, đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Có thể coi Thụy Sỹ là thị trường kiểm nghiệm, bảo chứng về chất lượng sản phẩm. Nếu hàng hóa Việt Nam vào được Thụy Sỹ thì không có lý do nào không xuất khẩu được sang các nước khác.
"Là thị trường cao cấp, nếu sản phẩm của chúng ta đạt được Global GAP đủ tiêu chuẩn vào Châu Âu thì có thể vào Thụy Sỹ. Tuy vậy, nhà phân phối và người tiêu dùng Thụy Sỹ có yêu cầu cao hơn", bà Thục nói.

Theo bà Thục, hàng Việt xuất khẩu sang Thụy Sỹ mới chỉ ở dạng thô.
Theo đánh giá của Chủ tịch SVBG, ở Thụy Sỹ, tại các hệ thống siêu thị ở Thụy Sỹ dành cho người bản địa và người dân Châu Á, sản phẩm của Việt Nam không nhiều. Theo khảo sát của SVBG, mới chỉ có hạt điều, còn cà phê, hạt tiêu là sản phẩm đã qua chế biến rất nhiều. Việt Nam mới chỉ xuất khẩu ở dạng thô nên khi qua chế biến không còn "gốc" của Việt Nam.
"Hàng Việt Nam mới chỉ xuất hiện ở các siêu thị dành cho người Châu Á, chứ không phải cho người Thụy Sĩ. Các sản phẩm như nước mắm, nước tương, hay hoa quả sấy vốn là thế mạnh của nước ta nhưng tiếc là chúng tôi chưa thấy có trên kệ siêu thị của người dân bản địa. Nhiều sản phẩm ghi là sản phẩm của Việt Nam nhưng quốc gia sản xuất lại là Thái Lan. Điều này khiến chúng tôi rất đau lòng", bà Thục thẳng thắn chia sẻ.
Qua khảo sát thị trường như vậy, bà Thục cho rằng, để đưa được nông sản tươi của Việt Nam sang Thụy Sỹ rất khó bởi vì nếu vận chuyển bằng máy bay thì giá quá cao, không thể bán được. Nếu đi bằng đường biển thì sản phẩm sẽ bị hư hỏng, không còn đẹp nữa. Trong khi đó, người Thụy Sỹ chuộng dùng sản phẩm vận chuyển bằng đường tàu do lo ngại phát thải nhiều C02 khi vận chuyển bằng đường hàng không
"Chỉ còn cách Việt Nam phải chế biến rồi xuất khẩu trực tiếp sang Thụy Sỹ. Phải chế biến sâu để tạo ra những sản phẩm có thời gian bảo quan lâu hơn, đưa được sang Thụy Sỹ và các nước ở xa khác. Còn sản phẩm tươi đưa sang Thụy Sỹ khá khó khăn do phí vận chuyển. Nếu chỉ đưa hàng vào các siêu thị dành cho người Châu Á ở Thụy Sỹ thì số lượng ít", bà Thục khuyến nghị.
Với sản phẩm nông nghiệp và chế biến, bà Thục hi vọng sau này tại Thụy Sỹ, những chuỗi siêu thị lớn của người bản xứ có nhiều hơn nữa sản phẩm Việt. SVBG cũng hi vọng trong tương lai có cơ hội, điều kiện kiện cùng phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đưa được nhiều sản phẩm Việt tới người tiêu dùng Thụy Sỹ.
Bên cạnh phân tích các yếu tố trở ngại, các diễn giả tại phiên tư vấn cũng đưa ra những mặt thuận lợi khi xuất khẩu sang Thụy Sỹ. Đó là Thụy Sỹ chủ trương ủng hộ tự do hóa thương mại, coi mở cửa thị trường là động lực phát triển kinh tế. Có xu hướng thúc đẩ y quan hệ với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân đông đảo, chuyên nghiệp, có tiềm lực.
Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sỹ đã tương đối vững chắc. Hai nước đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và một thỏa thuận về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Cơ chế quản lý xuất nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng hàng hóa của Thụy Sỹ nhìn chung rất tương đồng với những quy định của EU. Đặc biệt, Thụy Sỹ vẫn dành cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP khi nhập khẩu hàng hóa vào quốc gia này.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ và SVBG cũng cam kết với các doanh nghiệp Việt sẵn sàng hỗ trợ thông tin, kết nối với các đối tác sở tại, thẩm tra đối tác, xúc tiến thương mại, giải quyết các vấn đề phát sinh khác để gia tăng hàng Việt tại Thụy Sỹ trong tương lai.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm