Hỗ trợ doanh nghiệp

FPT có tân Tổng Giám đốc từ ngày 29/3

Ngày 8/3/2019, Hội đồng Quản trị FPT đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Tổng Giám đốc FPT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT - đảm trách vị trí Tổng Giám đốc FPT, thay thế ông Bùi Quang Ngọc hết nhiệm kỳ. Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 29/3/2019.

Rolls-Royce thừa nhận đã phá sản nếu không có BMW / Apple sụt giảm tại Việt Nam, "miếng bánh lớn" rơi vào tay ai?

Ông Bùi Quang Ngọc luôn đã giữ vị trí Tổng Giám đốc FPT trong 2 nhiệm kỳ (2013-2018). Ông Ngọc đã giúp FPT duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số, đẩy mạnh công nghệ và sáng tạo, đầu tư cơ sở vật chất trên toàn quốc tạo nền tảng cho FPT phát triển bền vững. Ông sẽ tiếp tục giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT FPT và tham gia một số dự án lớn, quan trọng của Tập đoàn.

Tân Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa đã có 22 năm gắn bó, trưởng thành tại FPT qua nhiều vị trí công việc khác nhau, am hiểu sâu sắc các hoạt động kinh doanh, công nghệ với khách hàng khối B2B, B2C.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, cho biết: “HĐQT FPT đánh giá cao ông Nguyễn Văn Khoa về năng lực tập hợp, tổ chức lực lượng; là người truyền cảm hứng, thúc đẩy và cổ vũ động viên đội ngũ cùng hướng về mục tiêu chung. Ở bất cứ cương vị nào, ông Khoa cũng thể hiện sự nhiệt huyết, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ. Chúng tôi tin tưởng với tình yêu FPT và sức trẻ, ông Khoa, cùng đội ngũ ban lãnh đạo các cấp sẽ đưa FPT chinh phục những mục tiêu và đỉnh cao mới ”.

FPT có tân Tổng Giám đốc từ ngày 29/3 - 1

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tân Tổng giám đốc FPT.

Năm 2012, ở tuổi 35, ông Nguyễn Văn Khoa là CEO công ty thành viên chủ chốt trẻ nhất FPT khi được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc FPT Telecom. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt, cùng những quyết sách và tầm nhìn mới mẻ, ông đã dẫn dắt FPT Telecom giữ vững vị trí Top 3 công ty cung cấp dịch vụ internet hàng đầu Việt Nam, liên tục thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và phương pháp quản trị mới. Ông sở hữu thành tích quan trọng ở những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FPT Telecom, như triển khai thành công tuyến đường trục Bắc – Nam 1.800 km, chuyển đổi toàn bộ hạ tầng cáp đồng sang cáp quang trong 1 năm – nhanh gấp 2 lần so với tiến độ dự kiến; đặt nền móng cho sự phát triển lớn mạnh của Truyền hình FPT hiện đại khi quyết định lựa chọn kinh doanh IPTV (Truyền hình qua Internet) thay cho Truyền hình cáp. Dưới sự lãnh đạo của ông, từ 2012-2017, doanh thu FPT Telecom tăng 2,6 lần, lợi nhuận tăng 1,6 lần; nhân sự tăng gần gấp 2 lần và có tỷ lệ đóng góp cao nhất trong lợi nhuận tập đoàn (2012-2016). Hiện FPT Telecom sở hữu hạ tầng viễn thông, internet và truyền hình phủ rộng 63/63 tỉnh, thành phố.

Tháng 3/2018, ông được luân chuyển làm Phó Tổng Giám đốc FPT, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) trong chương trình quy hoạch và đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận Tập đoàn FPT. Chỉ sau một năm, ông nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của đội ngũ Ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên FPT IS và đã truyền cảm hứng, tinh thần đổi mới cho CBNV các cấp.

“22 năm gắn bó với FPT, tôi may mắn được kế thừa tinh thần và khát vọng xây dựng FPT trường tồn của các thế hệ lãnh đạo đi trước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo là động viên, khích lệ các cấp để tạo ra cảm hứng làm việc cũng như thách thức mới để công ty chuyển dịch và tăng trưởng bền vững. Với phương châm lấy con người làm nền tảng, tôi tin tưởng sẽ cùng các cộng sự của mình thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn. Cơ hội của chuyển đổi số, của cuộc cách mạng 4.0 đang ở trước mặt và chúng tôi sẽ cùng nhau đưa FPT trở thành một trong những trụ cột quan trọng nhất của đất nước”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Cùng thời điểm, ông Đỗ Cao Bảo hết nhiệm kỳ Phó Tổng Giám đốc và được miễn nhiệm từ ngày 15/3/2019. Ông Đỗ Cao Bảo sẽ tiếp tục giữ vị trí Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và lương thưởng trực thuộc HĐQT FPT.

Như vậy, Ban điều hành của FPT từ 29/03/2019 gồm có: Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa (1977), Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Phương (1977) và Phó Tổng Giám đốc Hoàng Việt Anh (1975), cùng các giám đốc nghiệp vụ như Giám đốc Công nghệ Lê Hồng Việt (1981), Giám đốc Công nghệ thông tin Nguyễn Xuân Việt (1969), Giám đốc Chuyển đổi số Trần Huy Bảo Giang (1983) …

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm