Gia nhập EVFTA: Tìm lời giải cho vấn đề tồn đọng của lao động Việt Nam
DNVN - Trong bối cảnh "Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã được ký kết, lao động Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề tồn đọng, đó là lao động có kỹ năng và trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.
Nhập khẩu ô tô tăng cao: Giấc mơ chinh phục "sân nhà" của doanh nghiệp nội "lâm nguy" / Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước
Thông tin này đã được đưa ra tại Hội thảo "Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA): Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam" do ManpowerGroup Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 17/9 tại Hà Nội.
Tác động của EVFTA đến thị trường lao động Việt Nam
Với việc xóa bỏ đến 99% thuế quan xuất khẩu (XK), EVFTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh về giá cả hàng hóa khi XK vào thị trường châu Âu. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, EVFTA có thể sẽ đặt các DN trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.
EVFTA được xem là một FTA thế hệ mới bởi một trong những nội dung là bảo vệ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Việt Nam và EU đã nhất trí với các cam kết tái khẳng định việc tôn trọng, thúc đẩy hiệu quả 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Đó là quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, chấm dứt lao động cưỡng bức, xoá bỏ lao động trẻ em và xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động. Điều này đồng thời mở ra cơ hội và thách thức cho cho DN khi phải thay đổi để thực hiện các cam kết.
Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo “EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam"
Cho rằng bức tranh chung về trình độ tay nghề của lao động Việt Nam là tương đối thấp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI dẫn kết quả một cuộc khảo sát do VCCI thực hiện cho thấy, có đến 85% DN cho biết không thể tuyển được lao động chất lượng cao hay nhân sự quản trị. Thực tế là một số DN công nghệ hàng đầu thế giới vào Việt Nam muốn phát triển các trung tâm nghiên cứu nhưng không thể tuyển dụng được lao động.
Chia sẻ về những tác động của EVFTA đến thị trường lao động Việt Nam, ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho biết:
Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.000 việc làm mỗi năm vào năm 2021 - 2030. Nhiều việc làm cho lao động Việt Nam trong lĩnh vực nội thất, dệt may, giày dép... thuế suất XK giảm đến 99%.
"EVFTA mở ra cơ hội tăng cường XK của Việt Nam đến châu Âu. Nhiều công cụ mới sẽ được áp dụng ở Việt Nam. Vì vậy, người lao động cần có kỹ năng phù hợp. Người có bộ kỹ năng cần thiết sẽ có thể phát triển nghề nghiệp và tăng thu nhập", ông Simon Matthews cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cũng nhấn mạnh tới đặc thù kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu chính là dựa vào công nghệ, nên yêu cầu lao động đối với các doanh nghiệp này không chỉ đơn thuần là nhân công giá rẻ mà bắt buộc đòi hỏi có kỹ năng và trình độ chuyên môn.
"Đây vẫn là vấn đề tồn đọng rất lớn của lao động Việt Nam mà chúng ta vẫn chưa giải được. Doanh nghiệp châu Âu yêu cầu rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm chuyên ngành, khả năng ngoại ngữ. Đó là những điều doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ Việt Nam có thể cải thiện chất lượng nguồn lao động", đại diện Euro Cham cho biết.
Trên một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, tác động lớn nhất của quy định lao động trong EVFTA là câu chuyện người lao động được tự do thành lập tổ chức đại diện cho mình ở cấp DN và cấp cao hơn.
Đây là câu chuyện liên quan trực tiếp tới DN vì DN sẽ bỏ chi phí thế nào trong bối cảnh 1 DN có nhiều tổ chức đại diện và sẽ gây nhiều rắc rối trên thực tế. Trong khi đó, vấn đề sử dụng lao động trẻ em mặc dù không phổ biến nhưng ở các khu vực nông thôn vẫn có hiện tượng này nhất là các lĩnh vực liên quan tới tiểu thủ công nghiệp.
DN Việt Nam cần ưu tiên phát triển nhân tài
Theo Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, để có thể phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc phát triển nhân tài cần là một trong những ưu tiên hàng đầu của DN tại Việt Nam.
"Để thành công, các DN cần vạch ra những chiến lược nhân tài phù hợp, trong đó phát triển và đạo tạo nhân bộ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để thu hút và giữ chân lực lượng lao động 4.0 trong thời đại kinh tế số", ông Simon Matthews khẳng định.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng thời gian tới Việt Nam cần tăng cường việc kết hợp đào tạo, đặc biệt giữa nhà trường và DN. Ông đề nghị rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học như các trường cao đẳng, song cần gắn liền với thực tiễn thì mới góp phần tích cực nâng cao chất lượng lao động. Hơn hết là tăng cường hợp tác công tư, đẩy mạnh sự tham gia của DN vào giáo dục nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch Euro Cham Nguyễn Hải Minh đề xuất cần có hành lang pháp lý về hợp tác công tư rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư cũng như thúc đẩy nhiều ưu đãi hơn nữa cho DN khi bỏ chi phí cho hoạt động đào tạo nghề.
Gợi ý thiết thực về việc phát triển nhân tài tương lai, ông Simon Matthews chia sẻ về bộ chiến lược 4Bs gồm: Xây dựng nguồn nhân lực (Build), Săn nhân tài (Buy), Mở rộng nguồn nhân lực (Borrow) và Chuyển đổi cơ cấu nhân lực phù hợp (Bridge), qua đó đảm bảo nguồn nhân tài cần thiết trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài trầm trọng hiện nay của Việt Nam.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo