Giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp Việt tiếp cận hệ thống bán lẻ Australia
DNVN - Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Australia ngày càng quan tâm nhiều tới thị trường Việt Nam và ngược lại. Riêng trong lĩnh vực bán lẻ, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm đến cả giải pháp chung và giải pháp cụ thể để có thể tiếp cận được hệ thống bán lẻ của Australia một cách hiệu quả.
Thế nào là một mô hình tăng trưởng thành công đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa? / Áp dụng IoT vào sản xuất kinh doanh: Lời khuyên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại Hội thảo "Tiềm năng thị trường Australia từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra vào ngày 12/4 tại Hà Nội, TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã đi sâu vào chủ đề làm thế nào để doanh nghiệp Việt tiếp cận được hệ thống bán lẻ của Australia - một thị trường tiềm năng nhưng rất "kỹ tính" này.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, hệ thống siêu thị ở Australia có độ mở khá thấp, chỉ có hai nhà đầu tư nước ngoài là ALDI của Đức và Costco của Hoa Kỳ mặc dù Chính phủ Australia đã nới lỏng chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI... Thực tế là Tesco của Vương quốc Anh và Lidl của Đức đang cân nhắc việc mở siêu thị tại Australia nhưng vẫn do dự về hiệu quả kinh doanh.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại Hội thảo.
Chia sẻ về chính sách mua hàng qua đại lý của Australia, bà Loan cho biết: Những nhà bán lẻ lớn có một chính sách đã được thiết lập từ lâu là qua một đại lý nước ngoài được họ chỉ định. Một số tập đoàn lớn đặt đại lý mua hàng theo khu vực à hầu như chưa có đại lý thu mua hàng tại Việt Nam. Ví dụ Woolworths đặt đại lý mua hàng khu vực châu Á tại Hong Kong, Thượng Hải và sắp tới là Thái Lan.
"Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường cũng không mặn mà cung cấp hàng hóa trực tiếp cho các hệ thống phân phối bán lẻ của Australia do không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về thủ tục, tiêu chuẩn và thanh toán nên thường chọn cung cấp hàng qua trung gian", bà Loan cho hay.
Sự tăng giá trong kênh phân phối cũng là điều đáng lưu ý với DN Việt Nam. Đối với đại lý mua hàng, ở nước ngoài 1 đại lý hưởng hoa hồng của Australia khoảng từ 3 - 6% giá FOB; nhà nhập khẩu bán buôn những mặt hàng tiêu dùng số lượng lớn: từ 40 - 80% giá nhập khẩu (đã tính thuế) tùy thuộc vào từng mặt hàng.
Trong khi đó, các cửa hàng bách hóa giảm giá 35 - 40% giá bán; các cửa hàng bách hóa 40 - 75% giá bán; các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ: 50 - 100% giá bán; các chuỗi siêu thị 15 - 30% giá bán. Giá bán lẻ cuối cùng ở Australia thường cao hơn ở Hoa Kỳ nhưng giá người mua Australia chấp nhận từ người cung cấp thường thấp hơn giá người mua Hoa Kỳ chấp nhận.
Qua đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra giải pháp chung cho doanh nghiệp Việt Nam đó là tận dụng ưu đãi từ Hiệp định AANZ FTA và CPTPP. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi như rau quả và rau quả chế biến, thiết bị điện tử, cao su và sản phẩm cao su, nhựa và sản phẩm nhựa, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt và sản phẩm sắt, túi xách, ví, va li, mũ, ô và dù, hạt tiêu, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mây tre cói thảm...
Ngoài ra, DN cũng có hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan tới chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm cũng như an toàn sinh học. Cung cấp các sản phẩm mới, sáng tạo, có giá trị gia tăng cao cũng là điều DN phải lưu tâm mới có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường Australia.
Về giải pháp cụ thể, theo bà Loan, để đưa hàng vào siêu thị và cửa hàng tạp phẩm của Australia cần tìm hiểu các thông tin cần thiết về các siêu thị (cả các hệ thống siêu thị quy mô lớn và quy mô nhỏ), đặc biệt là chính sách liên quan tới tìm kiếm nhà cung cấp...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo