Giữa "tâm bão" COVID-19, doanh nghiệp không đơn độc
Diana Unicharm ủng hộ 2 tỷ đồng chống dịch Covid-19 / Panasonic quyết tâm giải bài toán về chất lượng không khí
Sau hơn 2 tháng cầm cự, doanh nghiệp lớn nhỏ đang có nguy cơ "hụt hơi", "đuối sức", ngấp nghé bờ vực phá sản. 16.200 doanh nghiệp "chết lâm sàng", tạm ngừng hoạt động từ đầu năm. Nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản. Đây là con số ám ảnh nhiều người. Chỉ thị của Thủ tướng dùng giải pháp tín dụng tiếp sức cho doanh nghiệp đã nhận được sự hưởng ứng tức thời từ các ngân hàng.
Ảnh minh họa.
Gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng như một sự tham gia tự nguyện của các ngân hàng, không sử dụng đến ngân sách Nhà nước. Đây là sự chia sẻ giữa hai bên ngân hàng và doanh nghiệp, dưới các hình thức như tái cấu trúc lại kỳ hạn khoản vay, giảm lãi, phí. Điều này có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp niêm yết có sử dụng nguồn vốn đi vay lớn.
Nhưng các ngân hàng thương mại, hoạt động như một doanh nghiệp phải cân đối cân đối về tài chính của mình. Họ cho vay theo lãi suất huy động + chi phí hoạt động vì chỉ như vậy, họ mới có thể duy trì hoạt động và có lãi. Lúc này, lại cần đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Động thái kịp thời hạ lãi suất điều hành tuần qua được xem là tiếp thêm nguồn lực cho ngân hàng thương mại, qua đó, hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng lãi suất thấp
Các mức lãi suất điều hành của NHNN như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khẩu thường được coi như nguồn đầu vào dự phòng cho ngân hàng thương mại trong trường hợp cần thiết. Khi NHNN giảm nguồn đầu vào này, đồng nghĩa giúp các ngân hàng thương mại có thêm nguồn lực để giảm lãi suất cho vay đầu ra tới người dân.
Đợt điều chỉnh này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo ra mặt bằng lãi suất thấp hơn, không chỉ với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà với tất cả các doanh nghiệp nói chung. Ngoài miễn giảm lãi, các ngân hàng thương mại cũng vẫn đang thực hiện việc cơ cấu nợ, giãn nợ để các doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch.
Dù hệ lụy của COVID-19 khiến tổng dư nợ 926.000 tỷ đồng không còn khả năng trả đúng hạn, nhưng NHNN đã lập tức đưa ra cơ chế mở hiếm có cho phép ngân hàng thương mại chủ động quyết định thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng.
Trong điều kiện chống cú sốc ngắn hạn hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ do hiệu quả mang tính tức thì, ít độ trễ. Đây chính là điểm huyệt cần hỗ trợ lúc này. Vì vậy, doanh nghiệp đang rất trông chờ cơ chế cụ thể của Bộ Tài chính để gói tài khóa 30.000 tỷ đồng nhanh cứu doanh nghiệp.
Không thanh, kiểm tra doanh nghiệp không vi phạm
Ngành thuế luôn được ví như là đại sứ của Chính phủ để đi tiếp xúc và lắng nghe doanh nghiệp. Đã từng có những vấn đề khiến mối quan hệ này không được gần gũi, nhưng trong bối cảnh hiện tại, nỗi sợ thanh kiểm tra của doanh nghiệp Việt Nam đã được gỡ bỏ.
Mới đây, Tổng cục Thuế có công văn chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung vào thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và không thanh kiểm tra các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Điều này giúp doanh nghiệp ổn định tâm lý, có thời gian chèo lái con thuyền giữa "tâm bão".
Ngoài chia sẻ những khó khăn tài chính đang phải đương đầu, doanh nghiệp cũng nói nhiều đến tâm lý sợ cô độc, sợ phải chiến đấu một mình, cả về vật lực và tinh thần. Về tinh thần, trong những tháng ngày vất vả chống dịch như hiện nay, doanh nghiệp luôn có sự sát cánh, thấu hiểu của nhiều Tổng tư lệnh ngành.
Đề xuất doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được tạm dừng đóng BHXH
Với doanh nghiệp có số lao động bị tạm thời nghỉ việc dù ít hay nhiều, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất: được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho đến hết năm nay. Thay vì đề xuất trước đó phải có 50% số lao động bị nghỉ việc trở lên mới được hưởng.
Ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Bộ chủ động triển khai hướng dẫn tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểmhưu trí, người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch và doanh nghiệp bị 50% thiệt hại do dịch, với con số này chúng ta hoàn toàn chủ động được trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, Bộ thấy chưa đủ nên trình với Chính phủ và xin ý kiến Thường vụ Quốc hội nâng cao mức nữa, tập trung mở rộng đối tượng gồm tất cả những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch thì đều có thể tạm dừng. Tất cả các doanh nghiệp đó không khống chế tỷ lệ 50%, thậm chí 10% người lao động đều được tiến hành. Doanh nghiệp mức giảm thu 50% có thể áp dụng ngay, trong trường hợp như vậy hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp".
Có một câu chuyện khơi gợi cảm hứng đang được chia sẻ trên mạng xã hội, bắt đầu bằng một tin nhắn giản dị: Minh à, đang tình hình dịch khó khăn thế này các cháu cứ bán hàng đi, cô không lấy tiền (thuê nhà) mấy tháng nữa... Cháu đợt này có khỏe không".
Minh là chủ một nhà hàng ăn uống, một trong vô vàn các DN nhỏ đang gặp khó, đang rất "không khỏe". Còn "cô" ở đây là bác chủ nhà. Giữa mùa dịch, đang có rất nhiều những cô chủ nhà như vậy
Doanh nghiệp, cũng giống như một thực thể sống, cần có sự chia sẻ và cảm thông để không cảm thấy đơn độc. Dù lớn dù nhỏ, dù là sếu đầu đàn hay một chú kiến cần mẫn của nền kinh tế, điều giá trị nhất trong khó khăn lại không phải là tiền mà là sự tương trợ. Thủ tướng gọi họ bằng một từ đầy ý nghĩa và gửi gắm: Những pháo đài.
Pháo đài Chính phủ là những quyết sách ra đời bằng sự thấu hiểu để tiếp sức cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng là pháo đài để bảo vệ mình, bảo vệ người lao động, bảo vệ những doanh nghiệp nhỏ hơn, yếu hơn để doanh nghiệp không cô độc, chờ khi bão tan, sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo