Hỗ trợ doanh nghiệp

Grab kháng cáo bản án phải bồi thường gần 5 tỷ cho Vinasun

DNVN - Grab kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm và đề nghị Toà Phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ kiện Vinasun-Grab. Grab khẳng định TAND TP.HCM vi phạm nghiệm trọng các thủ tục tố tụng.

Đại diện Grab: 'Vinasun muốn triệt tiêu mô hình kinh doanh mới' / "Đại chiến" Vinasun - Grab: Đã đến lúc nên kết thúc!

Chiều ngày 12/1, trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, đại diện truyền thông Grab cho biết đã chính thức gửi đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm buộc doanh nghiệp phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun và đề nghị Tòa phúc thẩm hủy bán án này.

Trong đơn kháng cáo, Grab cho rằng TAND TP.HCM đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cơ quan này không có thẩm quyền xét xử vụ án; đưa ra bản án vượt quá phạm vi khởi kiện yêu cầu bồi thường, không triệu tập nhân chứng tham dự các phiên xét xử theo yêu cầu của Grab với tư cách là người có liên quan và không triệu tập Cửu Long để giải thích và làm rõ những mâu thuẫn trong Báo cáo đánh giá thiệt hại của mình mặc dù Cửu Long là thẩm định viên được tòa chỉ định.

Phía Grab yêu cầu hủy án sơ thẩm (Ảnh: VĐ)

Phía Grab yêu cầu hủy án sơ thẩm

Phía Grab khẳng định không vi phạm với Vinasun. Nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ thì phải sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm pháp luật và bác toàn bộ yêu cầu của VinaSun. Nguyên đơn cũng không chứng minh được thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab với thiệt hại (nếu có) của Vinasun.

Grab cho rằng, TAND TP.HCM không đánh giá đầy đủ, khách quan các tình tiết, chứng cứ của vụ án. Tòa nhận định Grab kinh doanh vận tải mà phớt lờ ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải rằng "chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ", mang tính hỗ trợ cho đơn vị vận tải trên cơ sở thỏa thuận hợp tác kinh doanh.

"TAND TP.HCM đã bác yêu cầu giám định lại của Grab để dựa vào kết luận giám định không khách quan, chính xác của công ty giám định do tòa chỉ định; tòa áp đặt các quy định về kinh doanh vận tải đối với Grab. Việc tòa xác định thiệt hại của Vinasun theo chi phí xe nằm bãi và giảm giá trị vốn hóa thị trường là không đúng pháp luật... Thực tế, thiệt hại của Vinasun do nhiều nguyên nhân khác gây ra", kháng cáo nêu.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử giữa nguyên đơn Vinasun và bị đơn Grab sáng ngày 28/12

Phiên tòa sơ thẩm xét xử giữa nguyên đơn Vinasun và bị đơn Grab ngày 28/12

 

Như Doanh nghiệp Việt Nam thông tin, ngày 28/12, HĐXX nhận định Grab vi phạm Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Đề án 24, Luật Thương mại,... Bởi Grab chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh vận tải taxi. Đây là hành vi có lỗi của Grab, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.

HĐXX nhận thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab. Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác.

Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồng khác.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm