Hà Nội kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi
DNVN - Theo kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, thành phố đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các chính sách hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp (DN) du lịch để nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Nhà đầu tư "Thung lũng Silicon Đà Nẵng" mong sớm được giao đất giai đoạn 2 / Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư hướng đến thành phố này
Với kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023, Hà Nội tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi. Tổ chức khai thác thị trường khách du lịch quốc tế theo chương trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ.
Cụ thể, trong quý I, II/2022, sẽ tập trung tổ chức hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép. Các hoạt động du lịch tổ chức theo quy định cấp độ dịch của thành phố. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô, phạm vi loại hình hoạt động phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Giai đoạn 2, từ quý III/2022, dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô, phạm vi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch COVID-19. Triển khai kế hoạch đón khách quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào các thị trường trọng điểm, có độ bao phủ vaccine cao và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm, Hà Nội.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Đặc biệt hỗ trợ DN, người lao động trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nhanh nhất thủ tục hỗ trợ DN, hướng dẫn viên du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 105, 116 và 68 của Chính phủ. Đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các chính sách hỗ trợ đơn vị, DN du lịch liên quan đến việc giảm tiền thuế, tiên thuê đất, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp tiền BHXH...
Hỗ trợ các đơn vị, DN du lịch tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch, tăng cường nhận diện thương hiệu thông qua các sự kiện, lễ hội do TP tổ chức, các kênh truyền thông, các hệ thống website, fanpage của thành phố. Tập trung hỗ trợ các đơn vị, DN, tổ chức, cá nhân xây dựng một số mô hình sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, độc đáo, an toàn như các mô hình du lịch nông nghiệp tại Ba Vì, Sóc Sơn; du lịch mạo hiểm tại Vườn Quốc gia Ba Vì, du lịch giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học...
Ngoài ra, thành phố hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế.
Với việc xây dựng sản phẩm, tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã. Khuyến khích các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong khu vực nội, ngoại thành xây dựng, triển khai chương trình khuyến mại nghỉ dưỡng, dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực phục vụ thị hiếu nghỉ ngơi ngắn ngày của khách du lịch.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đêm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề. Đồng thời xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại địa phương có tiềm năng và thế mạnh như: Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng…
Khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, dù lượn ở Ba Vì, Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá; dịch vụ du lịch đi xe đạp, đi bộ, du lịch thăm bảo tàng...
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo