Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may kiến nghị nhiều giải pháp để phục hồi nhanh

DNVN - Ngoài kiến nghị mang tính xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp (DN) dệt may đề nghị cần sớm có hướng dẫn về gói hỗ trợ kinh tế. Trong đó có hỗ trợ lãi suất, đơn giản thủ tục hành chính và đặc biệt là cắt giảm chi phí logistics... để DN phục hồi nhanh.

Quýt hồng Lai Vung vào mùa thu hoạch rộ / Tháo điểm nghẽn cho hoa cắt cành Đà Lạt sang Úc

Ngày 8/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm, chúc Tết tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX). Báo cáo trước Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về những thành công của tập đoàn trong năm 2021, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch VINATEX cho biết, đối mặt với đại dịch COVID-19 trong năm 2021, tập đoàn đã rút ra nhiều bài học lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết tại VINATEX.
Đó là sự đoàn kết và thống nhất ý chí, chia sẻ khó khăn với 155 nghìn người lao động (NLĐ). Bài học này được duy trì từ năm 2020 và tiếp tục được tập đoàn nâng cao và củng cố cũng như được thực hiện linh hoạt trong năm 2021.
Bài học sáng tạo, cụ thể trong cách thức hoạt động tại từng đơn vị trong bối cảnh đối mặt với đại dịch là quan trọng nhất. Theo đó, tập đoàn không áp dụng mô hình "3 tại chỗ" đối với ngành may vì số lượng NLĐ lớn. Thay vào đó, phân tích đâu là khách hàng trọng tâm cần phải giữ, đối tượng nào sẽ đi làm, bảo đảm 15% NLĐ đi làm nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Nhưng đối với ngành sản xuất nguyên liệu công nhân ít, tập đoàn áp dụng mô hình "3 tại chỗ" 100% để bảo đảm không sụt giảm sản lượng và doanh thu và duy trì hiệu quả ngành sợi.
Ngoài ra, tập đoàn lựa chọn mục tiêu ưu tiên, khách hàng ưu tiên, sản phẩm ưu tiên theo nhiều kịch bản chi tiết cho việc gián đoạn sản xuất, qua đó duy trì được chuỗi cung ứng và khách hàng quan trọng.
Trong giai đoạn 2022-2025, VINATEX xác định mục tiêu chiến lược trở thành điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang cho khách hàng doanh nghiệp; từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu.
Để cụ thể hóa mục tiêu chiến lược, Chủ tịch VINATEX đưa ra một số kiến nghị. Trong đó kiến nghị đầu tiên mang tính chất xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình xuất khẩu.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch VINATEX kiến nghị nhiều giải pháp để doanh nghiệp dệt may phục hồi nhanh.
"Trong những ngày gần đây khi nghe lãi suất huy động tiết kiệm tăng lên tới hơn 12% ở VPBank, các DN dệt may khá lo lắng bởi vì lãi suất tiền gửi tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng theo. Đối với ngành sử dụng nhiều vốn như dệt may, nhất là vốn lưu động vay để trả tiền lương cho NLĐ nên DN rất lo lắng", ông Trường nói.
Chủ tịch VINATEX đề nghị sớm có hướng dẫn về gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để DN phục hồi nhanh, đơn giản thủ tục hành chính, và đặc biệt là cắt giảm chi phí logistics.
"Theo báo cáo logistics Việt Nam năm 2020, chi phí logistics chiếm 9,3% giá thành sản phẩm dệt may. Đây là con số rất lớn với ngành dệt may, và quan trọng là cao hơn so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Banladesh..., từ đó làm gia tăng áp lực cạnh tranh về giá thành sản xuất cho DN Việt Nam, kéo theo gây khó cho việc cải thiện điều kiện làm việc cũng như thu nhập cho người lao động", ông Trường chia sẻ.
Ngoài ra, người đứng đầu VINATEX kiến nghị linh hoạt tăng số giờ làm thêm hàng tháng vì bản chất mùa vụ không dàn đều, không phải tháng nào cũng tăng đều 40 giờ. Do đó, chỉ nên ấn định tổng thể số giờ làm thêm của cả năm, còn số giờ hàng tháng cho phép các DN được chủ động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các kiến nghị của VINATEX đều rất xác đáng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan kịp thời và quyết liệt triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, giúp các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành dệt may và VINATEX nói riêng sớm khôi phục sản xuất; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như thiết chế về nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa.
Với kiến nghị điều chỉnh linh hoạt thời gian làm thêm giờ, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, VINATEX và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục “dệt nên những ước mơ, dệt nên những khát vọng và hoài bão, dệt nên niềm tin vào chính mình, tin vào tương lai, tiền đồ của đất nước”.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm