Hỗ trợ doanh nghiệp

Hàng Việt sang Tây Ban Nha: Thiết lập thành “kênh” thúc đẩy xuất khẩu bền vững

DNVN - Ngoài chi phí logistics, vận tải và kho vận tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu tại thị trường Tây Ban Nha.

Phó Chủ tịch VITAS: Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng / Hỗ trợ doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tận dụng lợi thế thương mại điện tử

Liên tục xuất siêu
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022 diễn ra mới đây, ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam với Tây Ban Nha trong 5 tháng năm 2022 đạt 1,82 tỷ Euro. Trong đó kim ngạch xuất khẩu (XK) sang thị trường Tây Ban Nha đạt trên 1,63 tỷ Euro, tăng 55,98% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu (NK) là 0,19 tỷ Euro, giảm 12,36%. Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu rất cao sang Tây Ban Nha với giá trị xấp xỉ 1,44 tỷ Euro.
Nhiều mặt hàng Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng XK khả quan và đã duy trì tốt về thị phần tại thị trường Tây Ban Nha.
Thời gian qua, Việt Nam liên tục ở trạng thái xuất siêu lớn sang Tây Ban Nha. Điểm đáng chú ý là nửa đầu năm 2022 này, Việt Nam vẫn duy trì được thị phần XK ổn định như trước đại dịch là 0,9% trong thị phần NK chung của Tây Ban Nha với thế giới. Hiện Việt Nam đã vươn lên là nước có thị phần và kim ngạch XK lớn nhất trong số các nước ASEAN XK sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau Trung Quốc, xếp trên cả Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ - vốn được Tây Ban Nha xác định là các thị trường chiến lược của họ.

Ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế Tây Ban Nha đang lấy lại đà tăng trưởng nhưng tình hình xung đột tại Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp, các nước EU đang tiếp tục áp dụng các gói trừng phạt kinh tế lên Liên bang Nga. Dự báo kim ngạch XNK của Việt Nam với Tây Ban Nha các tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhưng sẽ khó đạt mức cao như trước đây. Cụ thể kim ngạch XK hàng hóa có thể đạt tốc độ tăng trưởng vào khoảng từ 20% - 30%.
Về tình hình đầu tư nước ngoài, theo ông Vũ Chiến Thắng, Tây Ban Nha hiện có tiềm năng lợi thế đầu tư và chuyển giao công nghệ ra nước ngoài trong các lĩnh vực nền tảng như: năng lượng tái tạo; công nghệ thông tin và viễn thông; khoa học đời sống, y tế; thực phẩm nông nghiệp công nghệ cao; ô tô và thiết bị di chuyển; công nghiệp vũ trụ; giao thông vận tải và dịch vụ logistic; công nghệ nghe nhìn; công nghiệp hóa chất và dược phẩm; du lịch và giải trí.
Đây cũng chính là các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ để phục vụ mục tiêu hiện đại hóa công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Về cơ hội trong quan hệ thương mại song phương, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng, quan hệ ngoại thương hai nước đang tiếp tục đà tăng trưởng ổn định và đạt tốc độ cao.
Tình hình chiến sự tại Ukraine đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế Tây Ban Nha do đứt gãy - thiếu hụt đáng kể nguồn cung một số mặt hàng nguyên liệu trong nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm và nhất là trong lĩnh vực năng lượng - dầu khí.
Hệ quả đã và đang làm gia tăng chi phí đầu vào đối với sản xuất - chế biến và gây ra tỷ lệ lạm phát cao ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng thực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với việc hai bên đang thực thi ngày càng hiệu quả Hiệp định EVFTA và đang hướng tới việc các thành viên còn lại của EU sẽ sớm phê chuẩn thực thi Hiệp định EVIPA, thì triển vọng quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư của Việt Nam - Tây Ban Nha trong các tháng cuối năm và cả năm nay 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Nhiều thách thức
Trong khi đó, khó khăn thách thức hiện nay cho công tác phát triển thị trường là sự gia tăng cao chi phí logistics, vận tải và kho vận, và sự duy trì vị thế cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha, nhất là trước các nước đối thủ chính như Châu Mỹ La tinh và Bắc Phi.
Việc duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha vẫn đang là một thách thức không nhỏ cần phải lưu ý.

Xuất khẩu sang Tây Ban Nha đối mặt với không ít thách thức.
Cụ thể trong thời gian qua, tính riêng trong thời gian đầu năm 2022 đến nay, Thương vụ đã nhận được văn bản thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha về phát hiện ít nhất 8 trường hợp lô hàng nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam có chất gây bệnh, chất cấm vượt quá mức cho phép hiện hành của EU. 8 lô hàng này bao gồm: cà phê, nước sốt tiêu, khô soài, dừa quả, vải thiều, hạt điều, gạo và bột cà ri. Do đó phía bạn đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát với các lô hàng tiếp theo ngay tại cảng đến sở tại.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 thời gian qua đã gây nhiều trở ngại trong việc tiếp xúc làm việc và trao đổi đoàn trong lĩnh vực này giữa hai nước. Trong đó cơ chế họp luân phiên của Ủy ban liên Chính phủ về kinh tế, thương mại và đầu tư - đây là một kênh hữu hiệu để hai nước rà soát, đánh giá, cùng khai thông rào cản và có các giải pháp chung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, công nghiệp và năng lượng.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu
Để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư trong thời gian tới, ông Vũ Chiến Thắng cho rằng, các cơ quan trung ương, các địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng nên phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm theo nhóm ngành hàng cụ thể mà hai nước cùng quan tâm như thực phẩm, đồ uống, thủy sản, rau quả, cơ khí, phụ tùng ô tô.
Tăng cường công tác tổ chức các đoàn doanh nghiệp với thành phần là các nhà NK, phân phối và siêu thị lớn của Việt Nam sang làm việc kết nối trao đổi hàng hóa trực tiếp song phương với các đối tác tương ứng tại địa bàn sở tại, các tập đoàn - nhà nhập khẩu - siêu thị phân phối lớn của Tây Ban Nha.
"Tây Ban Nha có thế mạnh về chất lượng, giá thành và muốn đẩy mạnh XK các mặt hàng sang thị trường Việt Nam như: thịt và sản phẩm thịt - Jamon, đồ uống có cồn và rượu vang, thực phẩm hữu cơ chế biến, sản phẩm Olive, mỹ phẩm hữu cơ, sữa và các sản phẩm sữa, hàng dệt may và máy móc thiết bị cơ khí - phụ tùng ô tô. Đây cũng là các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu NK. Do vậy trên nguyên tắc “có đi có lại cùng có lợi”, Việt Nam có thể tăng cường NK các mặt hàng này của phía bạn để trong thời gian tới thiết lập thành “kênh” thúc đẩy XK bền vững", ông Vũ Chiến Thắng khuyến nghị.
Hỗ trợ doanh nghiệp ta hợp tác cùng xây dựng "thương hiệu chung" cho hàng hóa XNK của Việt Nam với bạn hàng sở tại để vừa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa bảo đảm chỗ đứng lâu dài của hàng Việt tại thị trường sở tại.
Tiếp tục theo dõi sát và kịp thời cập nhật khuyến cáo của Nhà nước, các cơ quan và hiệp hội doanh nghiệp liên quan về các các yêu cầu kỹ thuật và các trường hợp có thông báo vi phạm các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm của các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Tây Ban Nha.
Tăng cường công tác xác minh doanh nghiệp sở tại và phối hợp với các cơ quan thẩm quyền liên quan và các cảng vụ của Tây Ban Nha trong việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình ký kết thực hiện hợp đồng ngoại thương - điều khoản thanh toán...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm