Phó Chủ tịch VITAS: Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng
DNVN - Đơn hàng suy giảm, chi phí vận chuyển gia tăng, nguyên phụ liệu không đủ, phải tìm cách thích ứng với quy định của EU về chiến lược dệt may mới... là những khó khăn rất lớn, gây lo lắng và lúng túng cho các doanh nghiệp (DN) dệt may trong những tháng cuối năm 2022.
An Giang: Phải đưa hàng hóa vào bãi tập kết tư nhân, các doanh nghiệp tiếp tục phản ứng gay gắt / Hỗ trợ doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tận dụng lợi thế thương mại điện tử
Đơn hàng suy giảm
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 8/2022 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Trong những tháng đầu năm nay nay, dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu tương đối khá.
Theo số liệu mới cập nhật, 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 30,1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu khoảng 17,5 tỷ USD. Theo đó kim ngạch xuất siêu đạt trên 12 tỷ USD.
Ngành dệt may cố gắng đạt mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay. Nhưng theo đánh giá của VITAS, những tháng cuối năm các DN ngành gặp rất nhiều khó khăn.
"Thực tế cho thấy nhiều DN có dấu hiệu thiếu đơn hàng và hiện giờ chấp nhận thực hiện các đơn hàng mà trước đây DN từ chối. 85% năng lực sản xuất của ngành phục vụ cho xuất khẩu. Trong khi đó, những biến động trên thế giới trong 2 năm qua như đại dịch COVID-19 và gần đây nhất là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã tác động trực tiếp đến ngành", ông Trương Văn Cẩm nêu.
Ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều nước và khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản kiểm soát hàng hóa rất nghiêm ngặt. Do đó DN gặp không ít khó khăn về nguyên phụ liệu. Đã có lúc DN phải tìm mọi cách để có nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, khó khăn nhất với các DN dệt may là đơn hàng suy giảm do lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia. Chẳng hạn như thị trường Anh, lạm phát trong 6 tháng đầu năm nay tăng tới 9,4%. Trong khi đó, Mỹ, Ý, Pháp lần lượt ghi nhận mức tăng 9,1% 8% và 7,8%.
Tác động của dịch bệnh cùng với tác động lan tỏa của cuộc chiến Nga - Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Theo dự báo, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng bằng một nửa so với năm 2021. Lạm phát gia tăng khiến sức mua hàng tiêu dùng suy giảm, từ đó gây ra những khó khăn thực sự cho DN trong ngành.
Liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm cũng như chi phí vận chuyển... đều tăng rất cao.
Thêm vào đó, mới đây, EU đưa ra chiến lược dệt may mới với quy định về tỷ lệ thay thế, các sản phẩm phải được "xanh" hóa theo tiêu chí bền vững. Điều này đòi hỏi các DN phải chuyển đổi rất mạnh ngay từ khâu thiết kế để làm sao sản phẩm sau khi dùng xong có thể dễ dàng thay thế được. Quy định của EU có thể nói là gây khó khăn lớn cho ngành.
Kiến nghị các thương vụ hỗ trợ
Từ những khó khăn trên, Phó Chủ tịch VITAS bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ tiếp tục từ các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, VITAS đề nghị các thương vụ ở nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về dự báo xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của các nước sở tại. Đặc biệt, chia sẻ các khuyến cáo, rủi ro, nên hay không nên XK vào những nơi có xung đột. DN thực sự rất cần những thông tin này.
Đối với các nước cung cấp nguyên phụ liệu dệt may số lượng lớn như Trung Quốc, VITAS bày tỏ mong muốn các địa phương cũng như Nhà nước, Bộ Công Thương có thể làm việc với nước bạn để làm sao hoạt động vận chuyển thuận lợi. Nếu vận chuyển ách tắc thì DN sẽ gặp vô vàn khó khăn bởi khoảng 50% nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với chiến lược dệt may mới của EU, đây là vấn đề rất mới với dệt may, buộc các DN phải chuyển đổi. Theo chia sẻ của EU, nếu nhãn hàng vẫn ký hợp đồng và đưa sản phẩm không đáp ứng yêu cầu sang thì sẽ bị "quay đầu". Do đó, VITAS mong muốn tham tán tại các nước Châu Âu nắm bắt vấn đề này và chia sẻ thông tin hỗ trợ cho DN Việt Nam.
Đối với việc Mỹ bắt đầu thực thi Đạo luật (UFLPA) từ ngày 21/6, VITAS đã có kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Thậm chí VITAS đã có một số buổi làm việc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam về vấn đề này.
VITAS đề nghị tham tán tại Mỹ cung cấp cho DN thông tin hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ được xử lý như thế nào hoặc các đơn vị của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị thiệt hại và giải quyết ra sao. Nếu không biết rõ nguồn gốc có khi hàng xuất khẩu sang Mỹ có thể bị tiêu hủy hoặc cấm nhận. Đây là những vấn đề DN dệt may rất lo.
Ngoài ra, VITAS đề nghị các tham tán ở nước ngoài tư vấn cho doanh nghiệp về các nhãn hàng, hội chợ tiềm năng và phù hợp với DN.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo