Hỗ trợ doanh nghiệp

Vụ "ùn tắc" ở cửa khẩu Khánh Bình: Địa phương vẫn "lúng túng", doanh nghiệp thiệt hại nặng nề

DNVN - Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình, An Giang vừa tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ tình trạng các xe hàng ùn tắc trước cửa khẩu, tuy nhiên mới dừng lại ở mức độ ghi nhận ý kiến để báo cáo, trong khi đó doanh nghiệp, tiểu thương lại tiếp tục "kêu cứu" vì thiệt hại hàng tỷ đồng.

An Giang: Không đủ thời gian chuẩn bị, doanh nghiệp lo phải đóng cửa trước yêu cầu đưa hàng vào điểm kiểm tra tập trung / Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tiếp cận thị trường Mỹ, Trung Quốc

Tình trạng các xe hàng ùn tắc trước cửa khẩu từ sáng 25 đến trưa 27 trong tình trạng cá chết, bốc mùi hôi thói.

Tình trạng các xe hàng ùn tắc trước cửa khẩu từ sáng 25 đến trưa 27 trong tình trạng cá chết, bốc mùi hôi thối. Sau đó, doanh nghiệp đã chủ động đưa vào bãi chữ P để chờ giải quyết.

Doanh nghiệp, tiểu thương thiệt hại nặng

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, vào chiều ngày 24/8, do một số xe chở mặt hàng thủy sản bị chặn lại vì không thực hiện việc kiểm hóa tại 2 điểm tư nhân do Hải quan Cửa khẩu (HQCK) Khánh Bình “chỉ định”. Tình trạng này dẫn đến việc gần chục xe ùn tắc hàng giờ tại cửa khẩu. Nhiều lực lượng chức năng cũng có mặt để duy trì trật tự.

Đại diện diện doanh nghiệp Trương Minh Hải cho biết: 3 xe cá trên là của doanh nghiệp, bị chặn với lý do không vào bãi tập trung của 2 doanh nghiệp Dương Lan và Hải Thịnh Phát. Sau gần 1 giờ, ông Trần Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang có đến hiện trường làm việc với doanh nghiệp.

"Làm việc với lãnh đạo Cục hải quan, tôi yêu cầu phía hải quan 3 điều: Thứ nhất, lập biên bản giữ xe nếu doanh nghiệp sai, để cho tài xế được về; thứ 2, nếu doanh nghiệp không sai thì cho đi; thứ ba, ngày mai tôi phải thực hiện như thế nào mới được thông quan. Sau đó, phía hải quan xác nhận chỉ cần vào bãi tập kết do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh xây dựng (gọi tắt là chữ P) để thực hiện việc tập kết hàng hóa vì nơi đây vừa được trưng dụng tạm thời”, đại diện doanh nghiệp Trương Minh Hải trình bày.

Tuy nhiên, theo vị đại diện của doanh nghiệp Trương Minh Hải, ngày hôm sau (25/8), mặc dù doanh nghiệp đã vào bãi chữ P nhưng vẫn không được thông quan. “Đến trưa 27/8, 3 xe này vẫn nằm ngay cửa khẩu trong tình trạng cá chết. Thấy bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến bà con cũng như anh em làm nhiệm vụ, tôi đã cho xe vào bãi chữ P đậu đến hôm nay (sáng 28/8) để chờ giải quyết xem trách nhiệm thuộc về ai?”, vị đại diện này khẳng định.

Cá chết được tài xế, công nhân loại bỏ xuống đường để giữ nước trên xe.

Cá chết được tài xế, công nhân loại bỏ xuống đường để giữ nước sạch trên xe.

Sự việc này, một lãnh đạo của HQCK Khánh Bình cho biết, do các xe này không tập kết ở các điểm được hải quan công nhận mà tập kết tại nhà nên không được thông quan. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp Trương Minh Hải cho rằng, xe đã vào bãi chữ P, một trong 3 địa điểm của hải quan công nhận nhưng không có nước, đối với mặt hàng cá thì không có nước thì không sang chiết được, buộc lòng phải đưa vào bãi của doanh nghiệp để làm. Sau đó, phía hải quan yêu cầu tài xế người Campuchia ký vào biên bản ngày mai đến bãi Dương Lan, Hải Thịnh Phát thì mới được thông quan nên tôi không đồng ý, đến tối khoảng 23h họ mới cho thông quan nhưng giờ đó đem qua thì còn bán cho ai nữa.

“Tôi làm công việc trao đổi hàng hóa này với người dân Campuchia hàng chục năm nay, có trước khu kinh tế này nữa, giờ bắt đưa vào 2 doanh nghiệp tư nhân khác trong khi trách nhiệm nếu cá tôi chết ai chịu trách nhiệm thì không ai đứng ra nhận, giờ thì 3 xe cá cũng đã chết sạch, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Anh Pha La, tài xế từ bên Campuchia qua lấy hàng của doanh nghiệp Trương Minh Hải cho biết: "Lâu nay qua lấy hàng bình thường, giờ cũng mở tờ khai đàng hoàng nhưng bị chặn lại, họ có hướng dẫn vô trong đó nhưng không đủ điều kiện. Điều kiện chở cá gồm có oxy và nuồn nước rất khó nên phải đảm bảo, sau một ngày đậu lại tại cửa khẩu không được thông quan như thế này thì cá chết hết", anh này nói.

Về thắc mắc của doanh nghiệp về trường hợp hàng hóa hư hỏng, cá chết khi đưa vào 2 bãi của TCHQ công nhận thì trách nhiệm thuộc về ai, vị đại diện cấp phó HQKQ cho biết: Hải quan chỉ thực hiện việc giám sát, còn trách nhiệm thì họ không biết.

Không thiệt hại nhiều như doanh nghiệp Trương Minh Hải, chị Thơ, một tiểu thương thuê kho trong bãi tập kết tại khu kinh tế này nhiều năm nay cho biết: Đã đầu tư kho, bãi và đầu tư 4 công lạnh khoảng vài tỷ đồng để thu gom hàng của bà con nông dân để xuất khẩu, chủ yếu cà chua với đậu bắp…

“Mỗi ngày tôi xuất khẩu khoảng hơn 10 tấn hàng, giờ chỉ còn hơn 2 tấn vì mấy ngày qua chuyển hàng qua phải tập kết khác, gặp trời mưa gió hao hụt đem qua kia chẳng ai lấy, đã vậy cứ mỗi xe ba gác hàng thì bốc hàng lên xuống tốn 120.000 đồng, riêng tiền này đã đội lên gấp đôi, tình trạng này kéo dài thì không đủ tiền trả cho công nhân, cũng như tiền thuê kho”, bà Thơ than thở.

Theo bà Thơ, có 3 địa điểm tập kết, bãi chữ P thì không có mái che, thời tiết mưa gió như thế này thì không làm được, còn phía 2 doanh nghiệp tư nhân thì rất chật chội, nhiều xe chen chúc nhau nên phải tập kết ngoài trời hàng hóa dập nát hết, ở đây cũng chưa xây dựng các ki ốt đàng hoàng, trong khi kho cũ bà vừa đầu tư thêm 200 triệu đồng để lót gạch, xây thêm phòng cho sạch sẽ để công nhân nghỉ ngơi.

Là doanh nghiệp chấp hành ngay từ ngày đầu triển khai văn bản 2777, cơ sở của Đức Thành Long Bình giờ đây đã đóng cửa do tiểu thương, công nhân đã kéo hết qua doanh nghiệp Dương Lan để tập kết hàng hóa.

Ông Đặng Ngọc Đức, chủ doanh nghiệp Đức Thành Long Bình cho biết: Sau khi nghiêm chỉnh thực hiện đưa toàn bộ xe vào bãi tập kết của doanh nghiệp Dương Lan từ sáng ngày 24/8, đến nay toàn bộ bạn hàng, công nhân đã kéo sang làm việc tại bãi tập kết này khiến ông đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

“Với diện tích 6.000m2, đầu tư vào đây khoảng 6 tỷ, trong đó vay ngân hàng đã hơn 3 tỷ. Doanh thu từ công việc này mang lại cho tôi 1 ngày khoảng 7 triệu, trừ chi phí công nhân, nước đá… thì phần còn lại cũng dành dụm để đóng ngân hàng, giờ thì mất sạch, không biết lấy tiền đâu đóng lãi”, ông Đức thở dài.

Địa phương “lúng túng”, doanh nghiệp lo lắng

Như Doanh nghiệp Việt Nam thông tin, những ngày đầu thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan theo văn bản 2777, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh nông, thủy sản tại Khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình huyện An Phú, tỉnh An Giang), đã phản ứng gay gắt.

Chiều 26/8, Chi cục HQCK Khánh Bình đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp, sau đó đơn vị này đã có cuộc họp thông tin với báo chí.

Sau khi chấp hành vào bãi chữ P, rau củ của tiểu thương bị hư hỏng

Sau khi chấp hành vào bãi chữ P, rau củ của tiểu thương bị hư hỏng, giảm chất lượng vì mưa, nắng do khu vực này chưa lắp đặt mái che theo thiết kế.

Trả lời phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam sau buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Đượm, chủ doanh nghiệp Ngân Ý An Phú cho biết: Chúng tôi cũng đã nêu lên những bất cập, khó khăn khi thực hiện văn bản 2777 của TCHQ, theo ông Đượm, bình thường bên Campuchia qua mua hàng tại bãi tập kết nhà thì không xảy ra tình trạng hỏng hóc gì ví người này không mua thì có người khác mua. Giờ phải đem hàng qua bãi tập trung nếu họ không mua lại phải chở về như vậy sẽ hỏng hóc.

“Để thực hiện văn bản này, chúng tôi kiến nghị có một lộ trình cụ thể để thích ứng hoặc cho thời gian để hoàn thành các thủ tục công nhận của TCHQ, phía lãnh đạo Cục hải quan tỉnh ghi nhận để về báo cáo chứ cũng không nói thời gian nào phản hồi”, ông Đượm nói. Hiện, hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp ông đã được TCHQ tiếp nhận vào ngày 12/8 vừa qua.

Cũng đã nộp hồ sơ đến TCHQ, Ông Đặng Ngọc Đức, chủ doanh nghiệp Đức Thành Long Bình cho biết: Doanh nghiệp ông đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ do toàn bộ tiểu thương, công nhân kéo sang làm việc tại bãi Dương Lan, hiện doanh nghiệp này đã đóng cửa mấy ngày qua.

“Hiện đã nộp hồ sơ cho TCHQ để xin công nhận đủ điều kiện kiểm hóa hàng tại bãi, trong thời gian này chỉ mong các sở, ngành cho thêm thời gian để tiếp tục hoạt động, kéo lại số khách hàng, công nhân… nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ vỡ nợ”, ông Đức kêu cứu.

Tiếp các phóng viên sau buổi hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, ông Hà Văn Trọng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình cho biết, đơn vị đang chấp hành nghiêm chỉ đạo của Cục Hải quan tỉnh An Giang theo tinh thần chỉ đạo theo công văn 2777, chấn chỉnh riêng đối với hoạt động xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu Khánh Bình.

Cụ thể: "Thời gian vừa qua, tại khu vực cửa khẩu này có tình trạng các doanh nghiệp đưa phương tiện vận tải của Campuchia vào các địa điểm tự phát không đủ điều kiện tập kết, kiểm tra giám sát theo quy định của Luật Hải quan để thực hiện bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hàng bách hóa tiêu dùng... dẫn đến các rủi ro cao.

Đặc biệt, đối với hàng nông sản xuất khẩu là mặt hàng được ưu tiên cả trong phân luồng tờ khai, doanh nghiệp dễ dàng lợi dụng để khai khống số lượng, trọng lượng, chủng loại... để hoàn thuế", theo văn bản TCHQ đưa ra sau phản ánh những bất cập về công văn 2777.

Phản bác nội dung này của TCHQ, các doanh nghiệp cho rằng: “Nội dung này quy chụp họ, trong khi hàng hóa nơi đây đều miễn thuế, hoạt động chủ yếu là trao đổi các mặt hàng nông, thủy sản của các cư dân biên giới thì lấy đâu ra thuế mà hoàn?”, đại diện các doanh nghiệp Ngân Ý An Phú, Trương Minh Hải khẳng định.

Tại buổi tiếp các phóng viên, Doanh nghiệp Việt Nam có đặt câu hỏi về việc có hay không việc triển khai văn bản quá “đột ngột” cũng như trước đó có hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục để hoạt động cho đúng quy định của hải quan, đại diện lãnh đạo cấp phó thừa nhận: HQCK Khánh Bình vừa mới hướng dẫn về thủ tục được công nhận điểm tập kết hàng hóa vào buổi họp đầu tiên để triển khai văn bản 2777 cho các doanh nghiệp vì từ lúc thành lập khu kinh tế này Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang chưa một lần báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này nên không nắm.

“TCHQ ký ngày 7/7, văn bản đã có hiệu lực, ngày 4/8 họp triển khai sau đó áp dụng vào ngày 15/8 rồi kéo dài đến 24/8 là quá chậm đối với TCHQ, trong khi đó chúng tôi còn bị chính quyền cho là “vội vàng, cứng nhắc”, vị này nói.

Về vấn đề các doanh nghiệp xin gia hạn để hoàn thành thủ tục với TCHQ, trước đó, tại hiện trường vụ ùn tắc xe tại Cửa khẩu Khánh Bình, ông Trần Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Hải tỉnh An Giang nói rằng, “việc xin thủ tục còn rất lâu, trước mắt yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành vào 2 địa điểm được TCHQ công nhận hoặc bãi chữ P”.

Một vựa thu mua nông sản của tiểu thương vừa được nâng cấp khang trang, sạch sẽ giờ bị yêu cầu đưa hàng hóa vào các điểm tập trung khác khiến chi phí đội lên gấp đôi.

Vựa thu mua nông sản của tiểu thương chị Thơ vừa được nâng cấp khang trang, sạch sẽ giờ bị yêu cầu đưa hàng hóa vào các điểm tập trung khác khiến chi phí đội lên gấp đôi.

Theo ghi nhận của phóng viên, bãi chữ P chưa được lắp đặt mái che theo thiết kế, điều kiện cũng chưa có nước, được biết bãi tập kết này đến tháng 2/2023 mới đưa vào sử dụng chính thức. Trong khi đó, 2 bãi được hải quan công nhận cũng trong điều kiện chưa đảm bảo, hệ thống mái che chưa được lắp đầy, các ki ốt chưa được xây dựng hoàn thiện. Việc triển khai gây phản ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, họ cho rằng, nếu thực hiện theo chỉ đạo của TCHQ thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm khi hàng hóa bị hư hỏng.

Trước đó, trả lời Doanh nghiệp Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh đã nắm được vấn đề, sắp tới sẽ lập đoàn cùng với Sở Công Thương làm việc với phía hải quan để xem tháo gỡ khó khăn như thế nào, việc này sẽ giao cho cấp phó cùng Sở Công Thương chủ trì.

Trước quy định mới của TCHQ về kiểm hóa hàng hóa trước khi xuất khẩu, hàng loạt doanh nghiệp, tiểu thương đã đầu tư kho bãi hàng chục tỷ đồng đã và đang đứng trước nguy cơ tạm ngừng hoạt động, đóng cửa vĩnh viễn. Khi đó, không những doanh nghiệp gặp khó, mà hàng chục ngàn hecta rau màu, thủy sản của người dân An Giang sẽ gặp khó đầu ra.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm