Nhận diện thách thức lớn nhất với doanh nghiệp xuất khẩu những tháng cuối năm
DNVN - Những tháng cuối năm 2022, bên cạnh thuận lợi, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đối diện với nhiều thách thức, trong đó áp lực lớn nhất là lạm phát toàn cầu tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
Khởi nghiệp trên đất Lào, doanh nghiệp Việt thành công với sản phẩm bột và tấm trần thạch cao / Meey Map tiên phong trong cập nhật dữ liệu quy hoạch xây dựng
Kết quả tích cực
Tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 8/2022” sáng 30/8, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) cho biết: kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2022 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM, 8 tháng đầu năm 2022 cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Trong 8 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.
Đánh giá kết quả này, bà Nguyễn Hồng Anh - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, số liệu xuất khẩu tích cực này có được là nhờ một số thuận lợi trong hoạt động XK của Việt Nam. Các DN vẫn tận dụng rất hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Theo lộ trình giảm thuế của các hiệp định, trong thời gian tới nhập khẩu (NK) của các nước đối tác tại khu vực thị trường mà Việt Nam có FTA sẽ tiếp tục được cắt giảm và xóa bỏ trong thời gian tới. Đây sẽ là những lợi thế mà DN cần tiếp tục khai thác và tận dụng thật tốt. Bởi vì trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, thuế suất từ 10 - 20%, chẳng hạn với mặt hàng dệt may, da giày, sẽ là lợi thế rất lớn cho hoạt động XK.
Thuận lợi khác là các thị trường XK chủ lực của Việt Nam tại khu vực Châu Âu và Châu Mỹ vẫn đang tiếp tục đà phục hồi. Bên cạnh đó, xung đột tại Nga - Ukraine cũng sẽ dẫn tới các nước phương Tây tìm các nguồn cung cấp hàng hóa thay thế và địa bàn thay thế và Việt Nam cũng có thể là một lựa chọn.
Trong bối cảnh xung đột tăng cao như vậy thì vấn đề an ninh lương thực cũng được các quốc gia đặt lên hàng đầu. Trong khi đó Việt Nam đạt được những thành tích rất tốt trong hoạt động sản xuất - xuất khẩu nông sản.
Thách thức lạm phát
Tại sự kiện, đại diện các thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pakistan, Chile đã trao đổi các thông tin cập nhật hàng tháng về diễn biến thị trường, những quy định, chính sách điều chỉnh mới của thị trường sở tại có tác động tới thương mại với Việt Nam.
Đặc biệt, đại diện các thương vụ cũng như đại diện các vụ, hiệp hội ngành hàng đã nhấn mạnh đến những khó khăn trong XNK nói chung và XK nói riêng trong những tháng cuối năm. Trong đó, các diễn giả đều có chung nhận định rằng lạm phát toàn cầu tăng cao là áp lực và thách thức lớn nhất.
Sự kiện được tổ chức trực tiếp ở Hà Nội, kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu trong và ngoài, với sự tham gia của 300 đại diện các cơ quan, doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Hồng Anh nhận định, vấn đề lớn nhất là lạm phát tăng cao tại các nước, đặc biệt tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Mỹ, EU sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu dùng tại những địa bàn này sẽ giảm sút. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga vaf Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, làm tăng giá năng lượng, dẫn tới tăng chi phí vận tải, đứt gãy chuỗi cung ứng...
"Tất cả những khó khăn và thách thức này cũng sẽ khiến DN Việt Nam phải tìm bài toán để góp phần làm sao để gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường, cũng như giải bài toán về vận chuyển, logistics, có phương án vận chuyển thay thế thích hợp, tìm ra những cung đường mới để đảm bảo thông suốt hoạt động XK", Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ đặt vấn đề.
Cần tiếp tục kịp thời cung cấp thông tin
Ý thức được những thách thức này, Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục XTTM đã và đang phối hợp với các thương vụ ở nước ngoài có những hoạt động hỗ trợ DN trong thời gian tới.
Diễn giả đề nghị hệ thống các thương vụ tại Châu Âu, Châu Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường Châu Âu, Châu Mỹ trong một số hoạt động XTTM, quảng bá hàng Việt nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tại các nước sở tại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú cho rằng, những khó khăn, thách thức hiện nay đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, DN và người sản xuất để các bên có thể cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, DN xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy XK.
Hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong cần tiếp tục kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN trong hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh XK.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo