Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến sản xuất, xây dựng nhà máy thông minh

DNVN - Công tác phối hợp ba bên giữa cơ quan quản lý, chính quyền và doanh nghiệp FDI trong hỗ trợ cải tiến sản xuất, phát triển nhà máy thông minh tại Bắc Ninh đã đem lại một số kết quả bước đầu tích cực.

Nhiều doanh nghiệp phía Bắc "ngại" tiếp cận dự án điện mặt trời áp mái / 5 khó khăn lớn nhất doanh nghiệp đang gặp phải trong kinh doanh

Những kết quả tích cực
Ông Phạm Khắc Nam – Phó giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh cho biết, để hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh, tăng cường sự phối hợp của các bên, tháng 9/2020, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Tổ hợp Samsung Việt Nam tạo ra.
Theo các nội dung của Biên bản ghi nhớ đã ký kết, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Samsung, Cục công nghiệp, Trung tâm phát triển công nghiệp IDC hàng năm tiến hành chương trình cải tiến bao gồm lựa chọn doanh nghiệp, tư vấn tại hiện trường, đào tạo chuyên gia cải tiến tại doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp tự cải tiến sau chương trình.
Trước tình hình khó khăn trong và sau đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Sở Công Thương đã có nhiều lượt thảo luận với các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự phối hợp giữa các bên trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt cải tiến sản xuất, xây dựng nhà máy thông minh là cần thiết.
"Sở Công Thương nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi sang “sản xuất thông minh”, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng. Do đó, chúng tôi đã đề xuất với Samsung nghiên cứu triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh từ năm 2022.
Chương trình tư vấn thực hiện đồng thời với nội dung cải tiến sản xuất đối với các doanh nghiệp mới và phát triển nhà máy thông minh đối với các doanh nghiệp đã được tư vấn cải tiến sản xuất. Kết quả năm 2022, tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 7 doanh nghiệp, năm 2023 cho 5 doanh nghiệp", ông Nam cho biết.
Sau cải tiến, phần lớn các doanh nghiệp tham gia đều chuyển từ mức độ 1 lên mức độ 2, mức độ 3. Việc thu thập dữ liệu sản xuất đã được một phần chuyển từ thu thập cục bộ, cập nhật chậm theo ngày hay tuần sang việc quản lý liên tục, cập nhật theo thời gian thực, bảo đảm thông tin được thiết kế lại theo dòng và thông suốt giúp cho việc quản lý và ra quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp chính xác và nhanh chóng hơn.
Theo ông Nam, mô hình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp này đã nhận được sự hưởng nhiệt tình của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, bước đầu thay đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp. Đồng thời lan tỏa thông điệp về cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường.
Qua chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với phương thức tổ chức sản xuất khoa học, được trực tiếp hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại hiện trường. Từ đó, nâng cao chất lượng cũng như khả năng mở rộng sản xuất, kết nối sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi tham gia dự án phát triển nhà máy thông minh, các doanh nghiệp đã được đào tạo và hướng dẫn để hoạch định chiến lược cũng như xây dựng một lộ trình xuyên suốt hướng tới phát triển nhà máy thông minh. Hệ thống quản lý gồm các quá trình đã được thiết kế lại để tối ưu hoá, bảo đảm dòng chảy thông tin vận hành được thông suốt và liên tục.
Trong khi đó, Nhà nước hiểu rõ hơn tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt, gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung ứng nội địa, thực hiện trách nhiệm trong phát triển công nghiệp của địa phương.
Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập
Bên cạnh những thuận lợi, theo ông Nam, doanh nghiệp Việt tham gia chương trình còn đối diện với một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nền tảng kỹ thuật và quản trị doanh nghiệp Việt Nam phần lớn còn yếu và thiếu với quy mô sản xuất tương đối nhỏ, phần lớn các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng.
Số lượng chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sản xuất còn ít, chuyên gia về nhà máy thông minh còn ít hơn, dẫn tới việc mở rộng tư vấn cải tiến liên tục tại nhiều doanh nghiệp không thực hiện được.
Cơ chế tài chính chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia có nhiều bất cập, vận dụng, dẫn chiếu quy định hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực khác dẫn tới nhiều nội dung hỗ trợ như: nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, đầu tư cho phần mềm quản lý, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng… địa phương không thực hiện được. Do vậy, làm giảm sự hỗ trợ của Nhà nước từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Từ thực trạng này, Sở Công Thương Bắc Ninh đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh Thông tư 29 hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, nên quy định cụ thể, tránh vận dụng, dẫn chiếu từ các quy định thuộc lĩnh vực khác, khó áp dụng hoặc không phù hợp về đối tượng.
Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành. Trong đó, có dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ để địa phương có cơ sở triển khai khảo sát, xây dựng dữ liệu đảm bảo đồng bộ.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tìm kiếm, kết nối đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm