Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội: Từ nghi ngờ đến thiếu vắng chính sách

DNVN - Khi bàn về chính sách thúc đẩy doanh nghiệp xã hội (DNXH), nhiều nhà làm chính sách nghi ngờ rằng liệu các DNXH đã tồn tại ở Việt Nam hay chưa và sự đóng góp của loại hình doanh nghiệp này như thế nào dù cho đến nay các đóng góp của DNXH đã đủ bằng chứng thuyết phục để Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ.

MXV gián tiếp đưa thị trường Việt Nam tiến tới các chuẩn quốc tế về hàng hóa thương mại / Doanh nghiệp Việt lo rào cản kỹ thuật với nông sản khi vào EU

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ như vậy với phóng viên bên lề “Hội nghị doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh tế & Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Gần đây, khái niệm DNXH được nhiều người nhắc đến. Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, DNXH là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định với mục đích vì cộng đồng, xã hội và trích 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
DNXH (có lợi nhuận và không có lợi nhuận) giống với các doanh nghiệp khác vì đều tổ chức và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ DNXH được thành lập để giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội như đói nghèo, ô nhiễm môi trường, bảo vệ trẻ em...
Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về các loại doanh nghiệp xã hội nhưng trên thực tế có 3 loại, gồm: DNXH phi lợi nhuận, DNXH không vì lợi nhuận và DNXH có định hướng xã hội, có lợi nhuận.
Tại hội nghị, ông Phan Đức Hiếu khẳng định, trên thế giới, mô hình DNXH đã có từ rất lâu, còn tại Việt Nam DNXH tồn tại trước khi có luật pháp, trước khi khái niệm DNXH có trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng CIEM.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng CIEM.

Bên lề hội nghị, chuyên gia Phan Đức Hiếu chia sẻ, thực tế cho thấy DNXH đóng góp to lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Ngoài những đóng góp thông thường như 1 DN, đó là có sản phẩm, thu nhập, doanh thu, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì DNXH còn đóng góp những giá trị góp phần giải quyết các vấn đề XH như mục tiêu của DNXH đó được thành lập ban đầu.
"Chúng ta cần ghi nhận những đóng góp to lớn đó của DNXH. Các nghiên cứu cho thấy, gần đây các hình thức như DNXH hay DN tạo tác động xã hội có xu hướng tăng lên so với trước đây", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, về khía cạnh chính sách, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có 1 điều khoản đáng chú ý, đó là Điều 10. Điều này thực sự không phải là chính sách hỗ trợ DNXH mà chỉ cho thấy lần đầu tiên Chính phủ, luật pháp ghi nhận DNXH như một hình thức hoạt động kinh doanh chính danh.
"Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận một chính sách nào đáng kể đối với sự thúc đẩy DNXH. Như vậy, có thể hình dung DNXH có mặt bằng chính sách giống như các DN thông thường mặc dù thực tế ghi nhận và thừa nhận việc đóng góp nhiều của DNXH không chỉ là đóng góp về vật chất mà còn là phương thức, cách thức giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường bền vững, hay nói cách khác là bền vững trong giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, đã đến lúc Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy DNXH phát triển. Tại thời điểm năm 2014 do chưa có khái niệm pháp lý về DNXH nên khi bàn về chính sách thúc đẩy DNXH nhiều nhà làm chính sách nghi ngờ liệu DNXH đã tồn tại ở Việt Nam hay chưa và có đóng góp như thế nào để họ đưa ra chính sách, bởi việc ra chính sách là sự hi sinh nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân và xã hội cho các hoạt động đó.
"Tuy vậy, cho đến nay tôi khẳng định lại là các đóng góp của DNXH đã đủ bằng chứng, thuyết phục và có những đóng góp rất lớn để Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ họ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ DNXH cần cách tiếp cận khác với các truyền thống, theo đó không phải hỗ trợ trực tiếp về tài chính hay kỹ thuật mà tôi cho rằng hỗ trợ về thúc đẩy nhu cầu của toàn xã hội", ông Hiếu đề xuất.
Giải pháp ở đây không chỉ đơn thuần bó hẹp về mặt chính sách mà thực sự phải tạo ra hệ sinh thái mà ở đó DNXH có điều kiện phát triển. Nói rộng hơn, việc đầu tiên là vai trò của các trường đại học, tổ chức giáo dục rất quan trọng.
"Chúng ta nói nhiều đến khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo nhưng ở đó chúng ta phải đó đưa vào được được các ý tưởng, đó là khởi nghiệp xã hội sáng tạo, đó là các giải pháp xã hội. Từ chương trình của nhà trường đến các chương trình của Chính phủ cần nhấn mạnh nhiều hơn, không chỉ là khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo mà phải là khởi nghiệp xã hội sáng tạo và khởi nghiệp giải pháp xã hội sáng tạo", Phó viện trưởng CIEM gợi mở.
Ngoài ra, các biện pháp về tài chính cũng đáng nghiên cứu và ban hành. Ví dụ các chính sách miễn giảm thuế VAT hay thu nhập doanh nghiệp đối với những phần lợi nhuận mà DNXH giữ lại để tái đầu tư rõ ràng là rất cần thiết. Có thể có những cách thức khác nhau nhưng đã đến lúc đủ bằng chứng thuyết phục Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu và có chính sách thúc đẩy trực tiếp ngoài việc tạm gọi hệ sinh thái phát triển DNXH.
Cũng theo ông Hiếu, 1 trong những nhóm giải pháp ưu tiên tập trung là nâng cao nhận thức của các công chức Chính phủ để họ hiểu hơn, thông cảm và chia sẻ hơn với DNXH, từ đó họ mới suy nghĩ và đưa ra các biện pháp thúc đẩy DNXH vào mặt chính sách. Rõ ràng ở đây đòi hỏi hành động không chỉ 1 cơ quan bộ, ngành mà đòi hỏi hành động của tất cả các cơ quan liên quan...
Bà Tần Thị Shu trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững.

Bà Tẩn Thị Shu trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững.

Trên góc độ doanh nghiệp, bà Tẩn Thị Shu - Giám đốc DNXH Du lịch Sapo O'Chau - bà chủ của hơn 50 nhân viên, chủ yếu là bà con dân tộc địa phương cho biết, đã là DNXH thì tất nhiên gặp phải nhiều khó khăn và thực tế bản thân bà chưa tiếp cận được nhiều chính sách. Trước đây, khi thành lập Sapa O'Chau, bà thực sự bối rối không biết ban ngành nào của chính quyền sẽ giúp làm các thủ tục, không biết phải bắt đầu như thế nào để vừa kinh doanh có lãi vừa giúp được cộng đồng với sứ mệnh giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và những nhóm yếu thế.
"Điều quan trọng để thực hiện tốt sứ mệnh giúp đỡ những người có mảnh đời khó khăn như tôi, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp, nhất là về đất đai để chúng tôi có thể yên tâm kinh doanh. Chúng tôi cũng cần chính sách tốt hơn về vốn vay và thúc đẩy DN mình lớn hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn trong xã hội", Giám đốc Sapo O'Chau kiến nghị.
Ngoài ra, bà Shu cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho những người khởi nghiệp ở địa phương bởi rào cản ngôn ngữ, chứ chưa nói đến việc đọc hiểu những văn bản pháp luật; đồng thời có chính sách riêng cho dân tộc thiểu số địa phương khởi nghiệp, có lộ trình đào tạo họ hiểu chính sách, thôi thúc họ kinh doanh, làm giàu cho quê hương và giúp cộng đồng ngày càng phát triển.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm