Không có "hộ chiếu" Global GAP, doanh nghiệp nông sản lỡ cơ hội làm ăn tại Châu Âu
DNVN - Theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, muốn bứt phá vào thị trường nông phẩm Châu Âu khó tính, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nắm rõ điều kiện tiên quyết là sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP thay vì lo ngại về yêu cầu khắt khe này.
Tìm chỗ đứng cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thị trường bán lẻ / Bộ công cụ “brand purpose” giúp thương hiệu phát triển và tăng lợi nhuận
Ngành sản xuất nông sản, thực phẩm đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp nông sản, thực phẩm quan trọng cho thị trường thế giới. Năm 2021 là dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh. Đã có những tín hiệu đáng mừng khi nông sản Việt Nam đã tiếp cận thành công thị trường cao cấp, góp phần nâng vị thế của sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội gia tăng thị phần tại các thị trường khó tính.
Tại phiên tư vấn “Global GAP – Hộ chiếu tiếp cận thị trường nông phẩm EU” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức ngày 19/11, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, hiện EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Nông phẩm Việt Nam đã được thế giới thừa nhận là một kỳ tích của Châu Á. Việt Nam đã vươn lên từ một nước đói nghèo trở thành nước xuất khẩu nông phẩm lớn. Mặc dù đã đạt thành công nhất định song việc triển khai đưa hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này còn nhiều khó khăn.
Ông Cường cho rằng một trong những nguyên nhân mà DN Việt Nam chưa thành công trong việc tiếp cận thị trường nông phẩm EU là do vẫn còn khá nhiều DN chưa có hiểu biết đầy đủ về Global GAP.
Global GAP là bộ quy trình hướng dẫn sản xuất an toàn hơn, từ đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Là chứng nhận quá trình sản xuất, thu hoạch không chứng nhận sản phẩm, tạo tin tưởng cho người tiêu dùng, tiếp cận được thị trường cao cấp, sản phẩm đi được xa hơn.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương Quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường, còn khá nhiều DN chưa có hiểu biết đầy đủ về Global GAP.
"DN Việt có thể nghe nhiều, biết nhiều về cơ hội xuất khẩu nông phẩm sang Châu Âu nhưng có lẽ chưa hiểu hết những thách thức, khó khăn, những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam tiếp cận được thị trường Châu Âu. Một trong những điều kiện tiên quyết đó là Global GAP", ông Cường đánh giá.
Theo chia sẻ của ông Cường, trong thời gian ông làm việc tại Pháp, Bỉ, và tại Anh, nhiều lần ông được nghe các DN nhập khẩu Châu Âu dành câu hỏi đầu tiên cho các DN Việt Nam là "sản phẩm của DN sản xuất theo tiêu chuẩn nào?". Nhiều DN Việt phản hồi sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, và do đó DN không có cơ hội làm ăn với đối tác Châu Âu. Mong muốn của khách hàng Châu Âu là sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Nếu trả lời được câu hỏi đầu tiên đó, DN mới có hội tiếp cận thị trường, giành được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu nông phẩm Châu Âu.
"Với những trải nghiệm và làm việc với các nhà nhập khẩu nông phẩm Châu Âu trong hơn 10 năm qua, tôi muốn các DN Việt Nam cần hiểu vì sao phải có Global GAP mới có cơ hội tiếp cận thị trường nông phẩm Châu Âu. Nếu không có Global GAP thì hầu như sẽ không có cơ hội nào", Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh nói.
Trên thực tế, Global GAP đã trở thành tiêu chuẩn nhập khẩu rất phổ biến tại các thị trường cao cấp như EU. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhận thức của DN về tiêu chuẩn này chưa thực sự đúng với bản chất. Nhiều DN vẫn coi Global GAP chỉ là một tờ giấy chứng nhận cần thiết để đưa cho nhà nhập khẩu và bán được hàng.
"Quan niệm này chưa chính xác và nếu có được chứng nhận Global GAP thì không có ý nghĩa, bởi Global GAP là một quy trình sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt. Duy trì các quy trình sản xuất này giúp DN đảm bảo sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép", ông Cường cho hay.
Về những khó khăn DN Việt Nam gặp phải trong quá trình sản xuất và xin giấy chứng nhận Global GAP, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, DN không thể không vượt qua được những khó khăn này, có điều là DN chưa gặp được chuyên gia để tư vấn và hướng dẫn.
"Thực tiễn xuất khẩu nông phẩm Việt Nam sang Châu Âu nói là khó cũng đúng và nói không khó cũng đúng. Bằng chứng là xuất khẩu nông phẩm sang Châu Âu và Vương quốc Anh nói riêng vẫn tăng. Như vậy có thể thấy có DN biết cách làm và DN chưa biết cách làm. Những DN biết cách làm đã thành công và tiếp tục mở rộng thị phần. Hiện nguồn cung nông phẩm của Việt Nam rất dồi dào, những thị trường lân cận, thị trường cấp thấp và cấp trung bình không có nhiều lợi nhuận bằng thị trường cao cấp. Do đó, DN cần bứt phá, vươn xa đến với thị trường cao cấp để có nhiều lợi nhuận hơn", Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh nhận định.
Ông Cường cho rằng, các DN chưa biết cách làm theo Global GAP chủ yếu là do trước đây tập trung vào thị trường trong nước, thị trường Châu Á, Châu Phi - những thị trường không quá tính. Muốn bứt lên vào thị trường Châu Âu khó tính để có lợi nhuận cao hơn thì DN phải làm theo tiêu chuẩn Châu Âu. Việc xuất khẩu sang Châu Âu không quá khó và không thể không làm được.
"Thông điệp tôi muốn gửi tới DN Việt Nam là không nên quá lo ngại về yêu cầu khắt khe của Châu Âu. Đừng sợ Châu Âu, Châu Âu khó tính thật nhưng nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của họ thì Châu Âu là một trong những thị trường rất tiềm năng và đem lại lợi nhuận cao cho DN Việt Nam. Có thể nói, người nông dân Việt Nam rất giỏi và làm được những điều thần kỳ theo như cách nói của Châu Âu. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là chuyển biến từ tập quán sản xuất theo kinh nghiệm sang tiêu chuẩn quốc tế. Làm được điều này Việt Nam còn được thế giới ngưỡng mộ nhiều hơn thế", ông Cường nhấn mạnh.
Theo nhìn nhận của Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, giờ là thời điểm các DN Việt Nam, các đơn vị sản xuất nông phẩm có thể chuyển từ giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn thông thường, tiêu chuẩn của những thị trường trung bình và những thị trường cấp thấp sang giai đoạn sản xuất các sản phẩm cho những thị trường cao cấp như Châu Âu để đạt được giá trị gia tăng lớn hơn và đảm bảo sự phát triển bền vững hơn cho nền nông nghiệp nước nhà.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo