Không làm ra sản phẩm, doanh nghiệp kiệt quệ vì gồng mình gánh các khoản chi phí hàng tỷ đồng mỗi tháng
Cần Thơ: Ứng dụng công nghệ số sẽ thúc đẩy du lịch cất cánh / BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng thêm chức năng trực tiếp quản lý Khu CNTT tập trung Đà Nẵng
Thời gian vừa qua, trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, các doanh nghiệp ở Nghệ An đang phải gồng mình gánh các khoản chi phí tăng cao mỗi tháng lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài bố trí các nguồn kinh phí như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp còn phải thực hiện tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 định kỳ, hỗ trợ người lao động trong thời gian nghỉ việc…
Để duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai "nhiệm vụ kép" vừa sản xuất, vừa tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Đó là điều chỉnh quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, bố trí lao động ăn, nghỉ tập trung tại nhà máy, làm việc trực tuyến tại nhà…
Để đảm bảo an toàn cho công nhân, công tyHương Kính test nhanh COVID-19 tại trụ sở 3 ngày/lần và hỗ trợ tiền ăn ở khi làm việc 3 tại chỗ.
Ông Phạm Hữu Cường, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại Hương Kính (doanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, bê tông, cốt thép) cho biết, công ty có 50 lao động, dịch bùng phát, thành phố Vinh thực hiện chỉ thị 16, chỉ cho 20% nhân viên đi làm tại trú sở và các công trình. Do đặc thù công việc phải đi trên đường nhiều, để đảm bảo an toàn cho người lao động, công ty đã mời trung tâm y tế về test nhanh COVID-19 tại nơi làm việc với tần suất 3 ngày/lần và hỗ trợ tiền ăn cho công nhân ở khi làm việc 3 tại chỗ.
Ông Cường cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản xuất kinh doanh sụt giảm, thì không chỉ công ty của ông mà hàng loạt công ty khác trên địa bàn sẽ khó khăn chồng chất khó khăn khi không làm ra sản phẩm nhưng vẫn phải chi trả các chi phí về tiền điện, tiền lương công nhân, tiền lãi suất ngân hàng, tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuế, tiền thuê đất...
“Tỉnh Nghệ An cần có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại và vượt qua khó khăn như khoanh nợ, cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, miễn giảm thuế, tạm ngừng nộp bảo hiểm và các khoản khác, vay trả lương cho lao động. Nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và linh hoạt để “giải cứu”, thì số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể sẽ tăng lên, kéo theo rất nhiều hệ lụy...”, ông Cường bày tỏ mong muốn.
Cùng quan điểm, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc nhân sự - Trưởng ban phòng chống COVID-19 Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng cho biết, công ty có gần 1.900 công nhân hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Để phòng, chống dịch bệnh, công ty đã chủ động cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, tuy nhiên tần suất làm việc chỉ được 1/4. Nếu dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.
Theo Cục Thống kê Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Nghệ An có 628 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. 79 doanh nghiệp giải thể tăng 33,9%.Trong tháng 7, 8 và 9, tình hình càng thêm khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản số 6501/UBND-KGBX đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định 23 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa.
Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, các phòng, ban, bộ phận có liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; xử lý nghiêm các trường hợp đùn đẩy, né tránh, không phối hợp dẫn đến sai phạm trong quá trình rà soát, trùng lặp đối tượng, hỗ trợ không đúng đối tượng, để xảy ra trục lợi chính sách...Tập trung triển khai tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, qua bưu điện, qua dịch vụ công trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quy định, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo