Hỗ trợ doanh nghiệp

Khuyến nghị DN thực hiện xác nhận và chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác

DNVN - Ngay sau cuộc họp giữa giữa các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT và đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về các biện pháp tiếp tục giải quyết vướng mắc của các DN thủy sản tại Thông tư 21, VASEP đã khuyến nghị các DN thực hiện xác nhận và chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác.

Giải bài toán tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội / Hệ thống thanh kiểm tra hiện rất "sung sức" vì DN phải "thank you"

Theo VASEP, tại cuộc họp chiều ngày 02/4/2019 giữa các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT và đại diện VASEP do Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì về các biện pháp tiếp tục giải quyết vướng mắc của các DN thủy sản tại Thông tư 21/2018/TT-BNN&PTNT, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã chỉ đạo Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các Sở NN&PTNT sớm rà soát, đánh giá và báo cáo với Bộ NN&PTNT để Bộ có thể ban hành quyết định chỉ định “các cảng cá có đủ hệ thống xác nhận thủy sản từ khai thác" đợt 3 trong tháng 4/2019.
Ngay sau cuộc họp này, VASEP đã gửi công văn cập nhật kết quả giải quyết kiến nghị của Hiệp hội cho các DN chế biến và XK hải sản khai thác.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, VASEP đã đưa ra một loạt khuyến nghị cho các DN. Cụ thể như sau:
Khuyến nghị DN cập nhật tại công ty và tuyên truyền đầy đủ cho hệ thống các DN/đại lý cung cấp nguyên liệu cũng như các chủ tàu khai thác về Danh mục “các cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác” do Bộ NN&PTNT công bố và được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản và VASEP;
Thu mua nguyên liệu hải sản khai thác để phục vụ nhu cầu chế biến hàng XK đi EU và các nước có quy định kiểm soát IUU từ các cảng cá được chỉ định kể trên;
Thực hiện đầy đủ công tác xác nhận và chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác theo quy định hiện hành của Luật Thủy sản 2017, Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT và các cập nhật khác của Châu Âu cũng như các quốc gia thành viên Châu Âu.
Kịp thời phản ánh về Hiệp hội các khó khăn, vướng mắc (nếu có) liên quan đến công tác xác nhận S/C; chứng nhận C/C, phản hồi của khách hàng cũng như các hoạt động liên quan đến kiểm soát chống khai thác IUU.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2019, VASEP đã nhận được phản ánh của các DN hội viên về tình trạng bất cập đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến nhiều cảng cá dừng việc thực hiện xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác (S/C) cho các lô hàng DN thu mua trong khoảng 2 tháng đầu năm 2019. Ngày 4/3/2019, VASEP đã có công văn 22/2019/CV-VASEP gửi Bộ NN&PTNT để báo cáo, kiến nghị Bộ sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này.
Ngày 6/3/2019, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp giữa các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT và đại diện VASEP để giải quyết các báo cáo, kiến nghị liên quan. Sau cuộc họp này, Tổng cục Thủy sản đã nhanh chóng đốc thúc, hướng dẫn và tổng hợp trình hai quyết định kèm 47 cảng cá đã được Bộ NN&PTNT ban hành công bố chỉ định “có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác”.
Như vậy, cho tới ngày 26/3/2019, Bộ NN&PTNT đã công bố 47 (trên tổng 83) cảng cá thuộc 18 tỉnh, thành phố ven biển “có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc từ thủy sản khai thác”.
Theo thống kê của VASEP, tính đến ngày 25/3/2019, đã có hơn 5.000 tấn nguyên liệu hải sản khai thác được thu mua từ 32 cảng cá chưa làm được giấy S/C để hoàn thiện thủ tục xuất khẩu theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, từ ngày 26/3/2019 thì 29/32 cảng đã được chính thức công bố chỉ định để có thể thực hiện giải quyết được đa số số lượng hàng. Còn lại 03 cảng cá (trong danh sách 32 cảng) là: Xẻo Nhàu (tỉnh Kiên Giang), cảng Hưng Thái (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) với khoảng 90 tấn hải sản được thu mua bởi 3 công ty là không nằm trong danh sách các cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định đợt này do chưa đủ điều kiện theo quy định hoặc không nằm trong danh mục quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cá theo Quyết định 1976/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm