Ngân hàng ưu tiên "bơm máu" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Giá lợn hơi vẫn khó lường / Giá ngô tăng trên thị trường quốc tế
Ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, tập trung vào sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, hôm qua (18/4), tại TPHCM, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cùng với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chủ trì Hội nghị kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp để trao đổi về các vấn đề liên quan.
Ông Đào Minh Tú cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề ra mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Theo đó, NHNN đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, với việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực này thấp hơn từ 1%-1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. Đồng thời, NHNN cũng hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân.
“Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”, ông Tú nói.
Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã không ngừng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Theo đó, kết quả triển khai các chương trình, chính sách về tín dụng, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây đang được duy trì ở mức khá cao, bình quân giai đoạn 2015 – 2017 là khoảng 18%. Cơ cấu tín đụng tiếp tục chuyển dịch vào các lĩnh vực sản xuất, kinh đoanh.
Điển hình như tín dụng ngành thương mại – dịch vụ tăng 16,57%, chiếm 61,19%/ tổng thu nhập nền kinh tế. Lĩnh vực ngành công nghiệp – xây dựng tăng 9,91%, chiếm 29,56%. Lĩnh vực tín dụng ngành nông nghiệp – nông thôn tăng 21,41%, chiếm 24%/ tổng thu nhập nền kinh tế. Riêng DNNVV từ cuối năm 2018 đến nay đạt 1,3 triệu tỷ đồng tăng 15,57% so với năm 2017.
Theo ông Hùng, tăng cường tín dụng đã góp phần hỗ trợ tích cực trong việc giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn. Ngoài ra, ông Hùng cũng đánh giá cao vai trò của các cấp chính quyền trong việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, nhằm giúp gắn kết, hòa hợp trong mối quan hệ cung (ngân hàng) – cầu (doanh nghiệp). Hay nói khác hơn, chính quyền địa phương chính là “chiếc cầu nối” trong việc kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.
“Nhờ sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương mà từ năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng đã tổ chức trên 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho gần 195.000 doanh nghiệp với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay gần 2,5 triệu tỷ đồng, với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 -9%/năm. Ngoài ra, các TCTD thực hiện các nghị quyết hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với cơ cấu thực địa là nâng hạn mức cho vay, giảm lãi suất cho vay đối với khoản cho vay cũ với khoảng dư nợ là 150.000 tỷ đồng”, ông Hùng nói.
Liên quan đến vấn đề kết nối cung – cầu nói trên, ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, tại TPHCM, các doanh nghiệp tư nhân chiếm 62 – 65% GDP của thành phố.
Với vai trò là một cơ quan chức năng của TPHCM, Sở Công Thương luôn sẵn sàng làm cầu nối góp phần gắn kết và thắt chặt mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và ngân hàng trên địa bàn, nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn về nguồn vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo