Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành chăn nuôi còn nhiều yếu thế

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, so với các ngành kinh tế nông nghiệp khác, ngành chăn nuôi còn nhiều yếu thế. Bởi vậy, Nhà nước cần có chính sách đặc thù hỗ trợ ngành chăn nuôi.

Cập nhật giá heo hơi ngày 31/5/2022: Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ người chăn nuôi? / Giá heo hơi ngày 3/6/2022: Chăn nuôi gặp khó vì giá thức ăn tăng

Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm ngành kinh tế nông nghiệp có độ mở cao, là cơ hội để chăn nuôi Việt Nam du nhập các công nghệ tiên tiến, giống mới của thế giới vào sản xuất trong nước.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng là khu vực đã tiếp cận khá đầy đủ các tiêu trí của nền kinh tế thị trường. Hầu hết vốn đầu tư cho sản xuất ngành chăn nuôi đều do tư nhân và vốn trực tiếp nước ngoài đầu tư, nên có tính linh hoạt và thích ứng nhanh với những biến đổi của thị trường.

Tuy nhiên, dịch bệnh mới và diễn biến phức tạp, khả năng kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi của Việt Nam còn nhiều bất cập và hạn chế, làm phát sinh chi phí sản xuất và rủi ro đến chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, không gian chăn nuôi của Việt Nam hẹp, mật độ (đơn vị) chăn nuôi đang thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.

Số lượng người tham gia chăn nuôi nhiều, tỷ trọng chăn nuôi nông hộ cao, khả năng đầu tư thấp, công nghệ chậm đổi mới làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Việt Nam còn thiếu trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Chia sẻ bên lề “Hội nghị kết nối Ireland - Việt Nam: Nông nghiệp trong thời đại 4.0” ngày 8/9, ông Dương cho biết, Ireland là nước tuy nhỏ nhưng trình độ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi rất cao.

Hội nghị sẽ tạo cơ hội tốt để nông nghiệp Việt Nam tiếp thu công nghệ sinh học, trình độ quản trị của Ireland vào sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Qua đó, góp phần giúp ngành chăn nuôi của Việt Nam tăng năng suất, kiểm soát được dịch bệnh, giảm tải ô nhiễm môi trường.

“Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Ireland có khoảng cách không nhỏ về phát triển công nghệ. Trong hợp tác với Ireland, Việt Nam cần một quá trình Việt Nam hóa, nhiệt đới hóa thì áp dụng công nghệ mới thành hiện thực”, ông Dương nói.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam bày tỏ hy vọng quá trình chuyển giao công nghệ, trực tiếp đầu tư của Ireland sang Việt Nam thời gian tới. Ví dụ, Ireland có công nghệ sản xuất rong biển dùng làm thức ăn cho chăn nuôi. Việt Nam đang rất thiếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ ngũ cốc, nhưng lại có bờ biển rất dài, có thể có lượng rong và tảo biển rất lớn. Nếu Ireland đầu tư trực tiếp phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn của Việt Nam cũng có thể nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến của Ireland. Thực tiễn cho thấy, không gian chăn nuôi của Việt Nam hẹp, không có lợi thế như các nước châu Âu và châu Mỹ. Trong hội nhập, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn.

Chính vì vậy rất cần sự hỗ trợ đặc thù của Nhà nước cho ngành chăn nuôi. So với các ngành kinh tế nông nghiệp khác như trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, gỗ và chế biến gỗ, ngành chăn nuôi còn nhiều yếu thế. Nhà nước cần có chính sách đặc thù hỗ trợ ngành chăn nuôi thì mới có thể tranh thủ lợi thế trong quá trình hội nhập.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng nghị định về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi Việt Nam thời gian tới.

“Tôi nghĩ nghị định sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho ngành chăn nuôi để vượt qua hạn chế trong hội nhập, tiếp thu được những lợi thế để phát triển bền vững. Bởi vì chăn nuôi của chúng ta không chỉ là an ninh thực phẩm mà còn là sinh kế của nhiều nông dân. Các ngành kinh tế khác có thể hỗ trợ để ngành chăn nuôi phát triển”, ông Dương nói.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm