Ngành hàng không đang cần “cứu trợ” để “vượt sóng” đại dịch
Doanh nghiệp “khát” nguyên liệu bởi đại dịch COVID-19 / Doanh nghiệp được lợi gì từ Cổng Dịch vụ công quốc gia?
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Tài chính, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không Việt Nam thiệt hại nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác đều sụt giảm mạnh.
Tính đến hết quý 2/2020, số chuyến bay toàn hãng giảm tới 32.700 chuyến, giảm 88,2% so với kế hoạch đề ra; số lượng khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách, giảm 89,3% so với kế hoạch; quy mô sản lượng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tháng 4/2020 chỉ bằng khoảng 2% so với kế hoạch.
Chuyến bay giảm, doanh thu giảm trong khi các doanh nghiệp hàng không vẫn phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động, như: chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí thường xuyên khác…
Hàng không là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo từ các hãng hàng không trong nước, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, Vietjet là 20 triệu USD; chi phí đậu đỗ sân bay của Vietnam Airlines là 6 tỷ đồng/tháng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Do việc khai thác các chuyến bay bị hạn chế, doanh thu của các hãng hàng không cũng giảm mạnh. Cụ thể, trong quý 2 vừa qua, doanh thu của Vietnam Airlines giảm khoảng 18.000 tỷ đồng, tương đương giảm 96,1% so với kế hoạch; lợi nhuận giảm gần 6.400 tỷ đồng so với kế hoạch. Cùng với đó, do khó khăn, hãng này phải cắt giảm hơn 6.000 lao động. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu sẽ giảm 49.300 tỷ đồng và mức lỗ có thể lên đến gần 16.000 tỷ đồng.
Không chỉ Vietnam Airlines, nhiều hãng hàng không khác cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Với Bamboo Airways, tính đến hết tháng 5 vừa qua, thiệt hại của hãng lên đến 4.455 tỷ đồng so với kế hoạch khai thác dự kiến. Các đường bay quốc tế của hãng phải tạm dừng. Với đường bay nội địa, do nhu cầu giảm mạnh nên hãng này phải giảm quy mô đội máy bay khai thác còn khoảng 1/3. Hoạt động vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng 50% cả về sản lượng và doanh số.
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam dự báo, các hãng hàng không Việt Nam có thể bị thiệt hại khoảng 4 tỷ USD (tương đương 90.000 tỷ đồng) trong năm nay, riêng Vietnam Airlines mất khoảng 50.000 tỷ doanh thu và ước cả năm lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng.
Mặc dù mức thiệt hại là rất nghiêm trọng, nhưng đến nay, các hãng hàng không mới được hỗ trợ giảm một số khoản phí dịch vụ hàng không vài chục tỷ đồng, được ngân hàng giảm chút ít lãi suất, giãn nợ một số khoản vay. Trong khi đó hàng không Việt thiệt hại không kém gì hãng hàng không nước ngoài và đang cần ít nhất 25.000 tỷ đồng để hoạt động và bật dậy sau đại dịch.
Rất cần gói hỗ trợ cho ngành hàng không
Từ thực tế đầy khó khăn mà ngành hàng không đã và đang phải đối mặt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành hàng không có tác động rất lớn tới nền kinh tế, nhiều hãng hàng không Việt Nam trụ được đến thời điểm này dưới tác động của dịch bệnh là sự nỗ lực rất lớn. Do đó, có cơ chế hỗ trợ cho ngành hàng không trong thời điểm này là vô cùng cần thiết.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, rất cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, trong đó có thể tính tới gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho các hãng hàng không. Bởi đây là những doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước. Khi họ phục hồi, phát triển sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, hỗ trợ hàng loạt doanh nghiệp khác tham gia chuỗi giá trị của họ.
Cứu trợ cho ngành hàng không là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh họa: KT) |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn có triển vọng hồi phục, bật dậy sau dịch như hãng hàng không, sẽ không những không làm lãng phí vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ mà còn tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách, giải quyết việc làm và khôi phục, phát triển kinh tế.
Ông Long phân tích, năm 2019, Vietjet và Vietnam Airline nộp ngân sáchkhoảng 20.000 tỷ đồng thuế, phí và giải quyết việc làm cho 27.000 người. Nếu họ khó khăn, thua lỗ mà không được hỗ trợ phù hợp thì thuế, phí họ nộp sẽ giảm, lao động mất việc, nhiều ngành như du lịch, dịch vụ, đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Nếu họ hòa vốn hoặc có lãi thì Chính phủ có bù vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng lãi suất cho họ thì vẫn là khoản hỗ trợ, đầu tư hiệu quả...
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong bày tỏ quan điểm, "cứu trợ" hàng không là một nhu cầu cần thiết đã được triển khai trên thế giới, ngay cả nước Mỹ cũng dành một khoản tiền khá lớn cho hãng hàng không lớn nhất của nước này do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cụ thể cũng như tình hình chống dịch của mỗi nước mà có những chính sách khác nhau. Điều đó cũng còn phụ thuộc vào năng lực tài chính quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải tự cứu mình trước khi “trời cứu”, theo hướng tiết giảm các chi tiêu thường xuyên và hạn chế các hoạt động không cần thiết để tiết kiệm ngân sách trong bối cảnh không có thu nhập, không có dòng tiền vào.
Ông Phong cũng cho biết thêm, ngoài hoạt động hỗ trợ tiền trực tiếp thì có thể thực hiện những biện pháp giảm các chi phí mà ngành hàng không phải chịu khi thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước. Ví dụ như: phí, thuế hoặc là những khoản Nhà nước thu từ từng ngành hàng không. Tất cả những hoạt động này cần được nghiên cứu kỹ và mang tính khả thi cao, không nên thực hiện theo kiểu bao cấp như trước đây.
“Về phía ngành hàng không, cần tăng cường khai thác các tuyến nội địa và các tuyến nội địa tại các quốc gia đã chống dịch thành công hoặc đã nới lỏng giãn cách xã hội, từ đó làm tăng doanh thu, bù lại cho doanh thu của các tuyến quốc tế chưa được mở. Nên thực hiện những biện pháp quảng bá hoặc những chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng trong bối cảnh thu nhập giảm để giữ được lượng khách cũng như có lợi cho khách và duy trì hoạt động của mình. Đây là thời điểm khó khăn, tất cả những giải pháp vừa phải mang tính kế thừa, học tập quốc tế, vừa phải xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc