Hỗ trợ doanh nghiệp

An Giang: Phải đưa hàng hóa vào bãi tập kết tư nhân, các doanh nghiệp tiếp tục phản ứng gay gắt

DNVN - Nhiều doanh nghiệp, thương lái kinh doanh nông sản tại Khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình tiếp tục “kêu cứu” trước nguy cơ đóng cửa khi phải đưa hàng hóa vào bãi tập kết của 2 doanh nghiệp tư nhân mới được cấp phép, trong khi điểm của Nhà nước đã được đưa vào sử dụng tạm thời.

An Giang: Không đủ thời gian chuẩn bị, doanh nghiệp lo phải đóng cửa trước yêu cầu đưa hàng vào điểm kiểm tra tập trung / Những “lầm tưởng” của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận vốn vay

Doanh nghiệp, tiểu thương bất an

Việc triển khai kiểm tra hàng hóa tập trung theo văn bản 2777 của Tổng cục Hải quan (TCHQ) đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh nông, thủy sản tại Khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Theo công văn 2777 của TCHQ, được ban hành vào ngày 7/7/2022, yêu cầu thực hiện công tác quản lý giám sát hải quan tại các cửa khẩu biên giới. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đưa hàng hóa, nông sản vào kiểm tra tập trung tại các bãi tập trung do TCHQ cấp phép. Việc đưa hàng hóa tập trung, nhằm thuận lợi giám sát, tránh khai khống số lượng hàng hóa xuất khẩu để hoàn thuế.

Ngày đầu thực hiện công văn 2777 của Tổng cục Hải quan, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương và lái xe phản ứng gay ùn tắc tại cửa khẩu hàng giờ.

Ngày đầu thực hiện công văn 2777 của Tổng cục Hải quan, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương và lái xe phản ứng gây ùn tắc tại Cửa khẩu Khánh Bình hàng giờ.

Có mặt tại hiện trường trong những ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo của TCHQ, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận: Theo như trước đây, hàng hóa sau khi thu gom về điểm tập kết của doanh nghiệp, sau khi được phân loại rồi đưa lên xe chuyển đi xuất khẩu. Hiện tại, sau khi được phân loại thì tiếp tục được tập kết đến một doanh nghiệp khác theo quy định của hải quan để kiểm hóa trước khi xuất khẩu.

Ông Đặng Ngọc Đức, chủ doanh nghiệp Đức Thành Long Bình cho biết: Sau khi nghiêm chỉnh thực hiện đưa toàn bộ xe vào bãi tập kết của doanh nghiệp Dương Lan từ sáng ngày 24/8, đến nay toàn bộ bạn hàng, công nhân đã kéo sang làm việc tại bãi tập kết này khiến ông đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

“Với diện tích 6.000m2, đầu tư vào đây khoảng 6 tỷ, trong đó vay ngân hàng đã hơn 3 tỷ. Doanh thu từ công việc này mang lại cho tôi 1 ngày khoảng 7 triệu, trừ chi phí công nhân, nước đá… thì phần còn lại cũng dành dụm để đóng ngân hàng, giờ thì mất sạch, không biết lấy tiền đâu đóng lãi”, ông Đức thở dài.

Ông Đức cho biết thêm: “Hiện đã nộp hồ sơ cho TCHQ để xin công nhận đủ điều kiện kiểm hóa hàng tại bãi, trong thời gian này chỉ mong các sở, ngành cho thêm thời gian để tiếp tục hoạt động, kéo lại số khách hàng, công nhân… nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ đóng cửa”.

Bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành, một số doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh thủy sản đã phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng: “Với mặt hàng cá thì việc 2 doanh nghiệp kia không đáp ứng được nguồn nước, nếu cá chết thì ai đứng ra chịu trách nhiệm… Rồi khách hàng đã gầy dựng bấy lâu nay “bỗng dưng” lại bị hải quan địa phương yêu cầu đưa vào 2 bãi tập tư nhân trong khi bãi tập kết của nhà nước đã được đưa vào sử dụng tạm thì không ai nhắc đến”, những doanh nghiệp này cùng chung thắc mắc.

Chiều cùng ngày, một số xe chở mặt hàng thủy sản bị chặn lại với lý do không thực hiện việc kiểm hóa tại 2 điểm tư nhân do Hải quan Cửa khẩu (HQCK) Khánh Bình như yêu cầu. Tình trạng này dẫn đến việc gần chục xe ùn tắc hàng giờ tại cửa khẩu, gây hiếu kỳ cho người dân. Nhiều lực lượng chức năng cũng có mặt để duy trì trật trự. Sau đó, phía hải quan yêu cầu các xe vào bãi tập kết của nhà nước để thực hiện việc kiểm hóa, thông quan.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam tại hiện trường vụ ùn tắc xe ngay cửa khẩu, ông Trần Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục hải quan tỉnh An Giang cho biết: Do các xe này chưa làm thủ tục hải quan thì chưa được cho qua, vì theo quy định, tất cả các hàng hóa xuất nhập khẩu vào địa bàn của hải quan thì phải chịu sự dẫn dắt của cơ quan hải quan, đồng thời các khu vực đưa xe vào làm thủ tục phải đực TCHQ công nhận.

“Ở đây có 3 địa điểm được TCHQ công nhận, trước đó, 2 địa điểm đã được công nhận, còn địa điểm của nhà nước quản lý cũng đã có camera giám sát kết nối trực tiếp với hải quan nên trước mặt doanh nghiệp có thể đưa xe vào”, ông Hoàn khẳng định.

Với hàng ngàn tấn nông, thủy sản được thu gom mỗi ngày phải vận chuyển từ điểm kết của doanh nghiệp đến điểm tập kết của doanh nghiệp khác phải tốn thêm một khoản chi phí lớn và thời gian làm thủ tục thông quan cũng tăng lên gấp 2 đến 3 lần… “Đối với các mặt hàng rau củ dễ bị dập héo, cá dễ chết khiến hàng hóa bị giảm chất lượng, thời gian giao hàng trễ khiến đối tác bỏ đi gây thiệt hại lớn cho chúng tôi”, đó cũng là những khó khăn chung khiến các doanh nghiệp nơi đây phản ứng trước việc thực hiện công văn 2777, mà nhiều doanh nghiệp nơi đây cho là đột ngột, vội vàng…

Doanh nghiệp phản ứng cách triển khai của địa phương

Liên quan đến việc thực hiện công văn 2777 của TCHQ, đại diện các doanh nghiệp cho rằng: “Họ đầu tư hàng chục tỷ đồng theo chủ trương của UBND tỉnh, sẵn sàng đưa hàng hóa vào điểm tập kết của nhà nước cũng như việc đang hoàn thành các thủ tục xin cấp phép theo quy định của TCHQ. Tuy nhiên, việc HQCK triển khai văn bản của TCHQ một cách đột ngột, thay đổi liên tục… khiến chúng tôi không khỏi nghi ngờ về cách triển khai.

Chị Hậu, một tiểu thương tại Khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình nêu những bất cập.

Chị Hậu, một tiểu thương tại Khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình nêu những bất cập.

Cụ thể, ngay sau cuộc họp ngày 4/8 đồng loạt các doanh nghiệp chúng tôi: Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ có đơn kiến nghị xin gia hạn gửi đến Cục Hải quan An Giang, HQCK Khánh Bình, Ban Quản lý KKT tỉnh An Giang để trình bày những khó khăn và xin gia hạn thêm 3 tháng để hoàn thành thủ tục theo quy định. Trong khi chờ văn bản trả lời thì ngày 12/8, nhiều doanh nghiệp nhận được điện thoại của đại diện HQCK Khánh Bình yêu cầu kể từ ngày 15/8 phải thực hiện việc đưa tất cả hàng hoá vào điểm kiểm tra tập trung của 2 doanh nghiệp tư nhân khác.

Nội dung này, Doanh nghiệp Việt Nam đã từng phản ánh, sau đó, ngày 18/8, HQCK Khánh Bình ban hành văn bản số 804, do ông Hà Văn Trọng - Chi cục trưởng Chi cục HQCK ký với nội dung: Để từng bước ổn định việc tập kết, xếp dỡ hàng hóa theo công văn số 2777 của TCHQ, tránh sự bức xúc của các doanh nghiệp và dư luận không tốt…, Chi cục HQCK Khánh Bình thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu tại các địa điểm kiểm tra tập trung được TCHQ công nhận đối với hàng hóa xếp lên phương tiện nước ngoài tại các địa điểm tập kết tự phát từ ngày 15/8 đến ngày 22/8. Theo đó, HQCK Khánh Bình sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của TCHQ vào ngày 23/8 (sau đó có công văn đính chính lại ngày 24/8).

“Trong văn bản này, họ nêu đích danh 3 doanh nghiệp đã cầu cứu báo chí gồm gồm: Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình và Huỳnh Kim Mỹ, trong khi đó ở đây có đến 6 doanh nghiệp mà họ cho là tự phát. Ngoài ra, họ cũng chỉ yêu cầu đưa xe vào 2 điểm tư nhân vì điểm của Nhà nước chưa gắn camera giám sát…”, ông Nguyễn Văn Đượm, chủ doanh nghiệp Ngân Ý An Phú thắc mắc.

Theo ông Đượm, trong thời gian này, tài xế bên Campuchia qua lấy hàng đều được HQCK phát cho tờ giấy tiếng Campuchia với nội dung: “Ngày 24/8/2022, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Campuchia khi vào Việt Nam để nhận hàng chỉ được vào bến Dương Lan và Hải Thịnh Phát, ngoài ra không được lấy hàng ở bất cứ chỗ nào khác”.

Theo các doanh nghiệp, tại khu kinh tế này có 6 doanh nghiệp, hàng trăm tiểu thương thu mua nông, thủy sản xuất khẩu. Mỗi ngày họ xuất khẩu hàng ngàn tấn cá, rau củ quả… Với chi phí kiểm hóa 10.000 đồng mỗi xe ba gác vào bãi của 2 doanh nghiệp này, với khoảng 2.000 chuyến xe mỗi ngày nếu bắt họ đưa xe vào sẽ rất tốn chi phí, trong khi đó, kho bãi doanh nghiệp có sẵn của họ phải bỏ không.

“Mặc khác, hàng nông sản cũng không phải là hàng kiểm hóa 100%, trừ khi tờ khai bị luồng đỏ mới bị kiểm tra. Và yêu cầu này chỉ có Cửa khẩu Khánh Bình phải thực hiện, trong khi đó Cửa khẩu Tịnh Biên thì không bị áp dụng”, các doanh nghiệp cùng chung thắc mắc.

Một công nhân bốc xếp cũng bị ảnh hưởng vì phải tăng súc lao động nhưng lương không tăng.

Một công nhân bốc xếp cũng bị ảnh hưởng vì phải tăng thêm sức lao động nhưng lương không tăng.

Chị Nguyễn Thị Hậu, một iểu thương kinh doanh 6 năm tại Khu khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình bức xúc: "Đã đầu tư ki ốt vào bãi tập kết này rất nhiều tiền, giờ kêu kéo hàng qua kia từng bịt 10kg rất khó khăn, qua đó uống ly cà phê hết 20.000 đồng trong khi tại bãi cũ có 5.000 đồng, cái gì cũng tốn kém hơn".

Còn anh Linh, Đoàn trưởng Nghiệp đoàn bốc xếp thị trấn Long Bình: Tôi làm ở đây 20, năm rồi, giờ triển khai việc đưa hàng từ bên điểm này qua điểm kia tốn rất nhiều công sức mà chi phí thì cũng vậy, tăng thì bạn hàng không chịu, lúc trước 20 nhân công thì bây giờ phãi tốn 30 nhân công để lên xuống hàng.

Liên quan đến thắc mắc của doanh nghiệp, tiểu thương ông Hà Văn Trọng - Chi cục trưởng Chi cục HQCK cho biết không có quyền phát ngôn, còn ông Trần Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang khẳng định: Tại cuộc họp ngày 23/8, Cục hải quan, biên phòng và huyện đều thống nhất việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của TCHQ”.

Trong khi đó, về phía lãnh đạo huyện cho rằng: Vấn đề này, huyện chỉ kiến nghị lên Cục hải quan, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hết sức cân nhắc để xem xét những kiến nghị của doanh nghiệp.

Sáng nay, 25/8 sau khi lãnh đạo Cục Hải quan thông tin cho phép đưa xe vào bãi của nhà nước để kiểm hóa, nhiều doanh nghiệp đã chọn đưa xe vào đây để thực hiện theo chỉ đạo của TCHQ. Cùng ngày, trả lời Doanh nghiệp Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh đã nắm được vấn đề, sắp tới sẽ lập đoàn cùng với Sở Công Thương làm việc với phía hải quan để xem tháo gỡ khó khăn như thế nào, việc này sẽ giao cho cấp phó cùng Sở Công Thương chủ trì.

Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam có bài phản ánh về việc, nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Khu kinh tế Cửa Khẩu Khánh Bình đứng trước nguy cơ bị đóng cửa, hàng trăm công nhân thất nghiệp trước yêu cầu đưa tất cả hàng hoá vào điểm kiểm tra tập trung “gấp rút”...

Ngày 21/8, Tổng cục Hải quan có thông tin phản hồi với báo chí về công tác quản lý nhà nước về hải quan tại cửa khẩu đường bộ và đường thủy Khánh Bình như sau: "Thời gian vừa qua, tại khu vực cửa khẩu này có tình trạng các doanh nghiệp đưa phương tiện vận tải của Campuchia vào các địa điểm tự phát không đủ điều kiện tập kết, kiểm tra giám sát theo quy định của Luật Hải quan để thực hiện bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hàng bách hóa tiêu dùng... dẫn đến các rủi ro cao…

Đặc biệt, đối với hàng nông sản xuất khẩu là mặt hàng được ưu tiên cả trong phân luồng tờ khai, doanh nghiệp dễ dàng lợi dụng để khai khống số lượng, trọng lượng, chủng loại... để hoàn thuế", văn bản nêu.


Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm