Hỗ trợ doanh nghiệp

Thị trường Trung Đông: Rào cản mang tên "Tiêu chuẩn Halal" với doanh nghiệp Việt

DNVN - Trung Đông thực sự là thị trường giàu tiềm năng và đa dạng cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, để thâm nhập được thị trường tiềm năng to lớn này, giới chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp trước hết cần vượt được qua rào cản mang tên "Tiêu chuẩn Halal"...

FPT báo lãi hơn 1.300 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 / Top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2019: Apple dẫn đầu

Tiềm năng của thị trường Trung Đông
Tại Hội thảo "Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông" diễn ra vào sáng 24/5 tại Hà Nội, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, Việt Nam và các nước Trung Đông có mối quan hệ hợp tác từ rất lâu. Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các nước trong khu vực Trung Đông. Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 15 quốc gia khu vực này. Tăng trưởng thương mại Việt Nam - Trung Đông đã có những tăng trưởng đáng kể.
Với lợi thế là khu vực có tổng diện tích hơn 6 triệu km vuông, dân số hơn 320 triệu người, GDP năm 2018 đạt 3.451,6 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các mặt hàng XK của Việt Nam sang châu Phi và Trung Đông ngày càng phát triển đa dạng. Bên cạnh hàng nông sản, dệt may, da giày cũng đã có mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng khác như máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại di động, máy móc và thiết bị phụ tùng.
"Khối thị trường Trung Đông thực sự là những thị trường giàu tiềm năng và đa dạng cơ hội cho các DN Việt Nam trong bối cảnh nhiều thị trường khu vực khác như Châu Á và EU đang gặp khó khăn", ông Tài nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.

Đánh giá cụ thể hơn về tiềm năng của thị trường Trung Đông, bà Phạm Hoài Linh - Phó Trưởng phòng Tây Á - Châu Phi (Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi) cho biết, khu vực này có 5 tiềm năng chính, đó là: Tiềm năng dầu mỏ, khí đốt (chiếm 1.4 trữ lượng dầu mỏ thế giới); Tiềm năng về tài chính, nguồn vốn, khả năng thanh toán cao; Tiềm năng về khoa học, công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ cao (Israel), nông nghiệp, hóa dầu; Nhu cầu nhập khẩu cao về hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản do không thể tự sản xuất được lương thực, thực phẩm thiết yếu; Thị trường lớn, mở, còn rất nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Trung Đông đã nhập rất nhiều hàng hóa của Việt Nam và hiện một mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường này.
Khu vực này có một số thị trường trọng điểm như: UAE, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel. Bên cạnh đó, một số thị trường được đánh giá có tiềm năng là Cô-oét và Iran. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của khu vực khá phù hợp với những mặt hàng XK thế mạnh của Việt Nam, trong khi thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp, chỉ từ 0 đến 5%.
Tiêu chuẩn Halal - rào cản lớn với doanh nghiệp Việt
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này đối mặt với một số thách thức như: Tình hình an ninh - chính trị bất ổn, mâu thuẫn sắc tộc, xung đột tôn giáo tại các quốc gia, chiến tranh trong khu vực; Khoảng cách địa lý, thiếu thông tin thị trường, khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tập quán kinh doanh; Rào cản kỹ thuât, bảo hộ thị trường; Rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C, tình trạng lừa đảo còn diễn ra...
Liên quan tới yếu tố văn hóa, bên lề hội thảo, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - Châu Phi (Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi) đặc biệt nhấn mạnh đến rào cản này bởi những quốc gia này theo Đạo hồi, trong khi Việt Nam không theo đạo.
"Khi làm ăn kinh doanh với các nước khu vực Trung Đông, doanh nghiệp phải tìm hiểu được Halal là gì, các nước Hồi giáo ăn gì, họ làm gì và sống như thế nào, thời gian làm việc ra sao để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các đối tác", bà Phương nhấn mạnh.
Cũng theo bà Phương, về cơ bản các nước khu vực Trung Đông có khả năng thanh khoản rất cao. Do đó, khi làm việc với các nước bạn nên cố gắng tiếp cận, làm việc và nói chuyện trực tiếp với đối tác, tránh được rủi ro. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể mời các DN đối tác về Việt Nam thăm vùng nguyên liệu sản xuất, thăm cơ sở sản xuất, nhà máy của mình. Như vậy, độ tin cậy giữa hai bên sẽ cao hơn, và khả năng thành công trong hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên sẽ khả thi.
Trong số những thách thức và rào cản mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, các chuyên gia tại hội thảo đã nhấn mạnh đặc biệt đến Tiêu chuẩn Halal. Hiện mới chỉ gần 1.000 DN Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn Halal. Đây là con số còn quá ít so với 300.000 DN thành lập mỗi năm. Theo Trưởng phòng Tây Á - Châu Phi, các nước Trung Đông theo đạo Hồi nên không ăn thịt lợn. Khi giết mổ theo tiêu chuẩn Halal thì phải theo một quy trình đặc biệt, theo đúng quy định của Halal.
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - Châu Phi (Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi) chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo.

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - Châu Phi (Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi) chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo.

"Đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm vào Trung Đông, lời khuyên của tôi với các DN là phải sang bên đó tìm hiểu, hoặc ngay tại VIệt Nam có nhiều công ty tư vấn, DN có thể thuê họ hướng dẫn cần phải làm gì theo tiêu chuẩn Halal để có thể đưa hàng vào khu vực Trung Đông", bà Phương gợi ý.
Chia sẻ với báo giới, ông Trần Văn Tân Cương - Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển Halal khẳng định rằng, nếu DN Việt Nam muốn XK sang các nước Hồi giáo thuộc thị trường Trung Đông và các nước Hồi giáo nói chung cần nắm rõ tiêu chuẩn về Halal. Tuy nhiên, mỗi thị trường có một tiêu chuẩn khác nhau. Đây là những rào cản rất lớn đối với DN Việt Nam.
Trong tiêu chuẩn sẽ hướng dẫn một số yêu cầu. Ví dụ người Hồi giáo không ăn thịt heo, DN Việt Nam xuất khẩu mặt hàng thủy sản, rau - củ - quả hoặc nước ép thì trong các thành phần của những sản phẩm này không được phép có rượu vì người Hồi giáo cấm.
Trong quá trình sản xuất và đánh giá chứng nhận, cơ quan chứng nhận sẽ kiểm tra nguyên liệu đầu vào của DN có phù hợp với tiêu chuẩn của Halal hay không, trong đó có hướng dẫn quy cách giết mổ, sản xuất, các thành phần nguyên liệu giống như ở Việt Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật.
"Tiêu chuẩn Halal sẽ hướng dẫn cụ thể, và nếu DN muốn hiểu rõ hơn phải thực hiện các bước. Ví dụ, nếu DN sản xuất khác thì phải khảo sát, xây dựng về hệ thống, đào tạo về nhận thức, sau đó mời cơ quan chứng nhận vào đánh giá và kiểm duyệt các bước thực hiện có đúng với tiêu chuẩn của Halal hay không", ông Cương nói.
Trước câu hỏi DN phải làm gì để có được giấy chứng nhận Halal, ông Cương chia sẻ, DN phải thực hiện đúng các yêu cầu tiêu chuẩn, trong đó có yêu cầu về dây chuyền, con người, nguyên liệu và những yêu cầu khác.
Thực tế, theo ông Cương, các DN Việt Nam vẫn đang làm theo hình thức đối phó và "chộp giật". Khi DN muốn chuyên gia hoặc tổ chức đánh giá chứng nhận vào để kiểm duyệt tiêu chuẩn Halal thì các DN Việt Nam chỉ thực hiện việc đánh giá theo cơ chế "xin" với lý lẽ đây là lần đầu DN xin chứng nhận mong được "bỏ qua" và DN sẽ khắc phục những nhược điểm mà tổ chức chứng nhận phát hiện. Nhưng khi họ cung cấp những việc đánh giá tiếp theo thì DN không khắc phục, thay vào đó bỏ cách quãng khoảng 6 tháng, hoặc 1 năm sau tái đánh giá chứng nhận. Như vậy một lần nữa DN lặp lại lỗi.
Halal là tiêu chuẩn quan trọng nhất mà DN Việt Nam cần đáp ứng. Nếu bước qua được rào cản đầu tiên về Halal này thì DN Việt Nam sẽ tiến tới và thâm nhập được vào thị trường các nước Hồi giáo ở Trung Đông.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm