Hỗ trợ doanh nghiệp

Voi sống hay vôi sống: Bài học nực cười doanh nghiệp "làm khó" cơ quan cấp C/O

DNVN - Thay vì khai báo C/O bằng tiếng Anh theo yêu cầu bắt buộc, một doanh nghiệp trong quá trình đề nghị cấp C/O đã khai báo mặt hàng "voi song" bằng tiếng Việt không dấu và đồng thời trên tờ khai C/O DN khai thiếu mã HS. Sau đó, hải quan của Malaysia đã liên hệ ngược lại với cơ quan cấp C/O của Việt Nam để làm rõ thông tin về hàng hóa của DN.

FPT báo lãi hơn 1.300 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 / Ổn định kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

Đây là một ví dụ có thật được bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu ra tại Hội thảo Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với chủ đề "Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp (DN) cần quan tâm" diễn ra vào sáng 23/5 tại Hà Nội khi đưa ra những lưu ý cho DN Việt Nam về quy tắc xuất xứ trong RCEP.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được khởi xướng vào tháng 11/2012, với mục đích thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa 10 nước ASEAN với các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
Nếu được ký kết, RCEP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu. Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017.
Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam kỳ vọng về cơ hội xuất - nhập khẩu khi RCEP được ký kết và thực thi. Khi RCEP được thực thi, ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa. Quy tắc xuất xứ (QTXX) nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Thống nhất trong các quy trinh về hải quan, tạo thuận lợi thương mại. Các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan. Giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất.
RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác FTA.

RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác FTA.


Và để những kỳ vọng này trở thành hiện thực, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đưa ra nhiều lưu ý và lời khuyên hữu ích về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc DN sử dụng C/O nào là quyền lựa chọn của DN. Trước đây, các DN XK hay theo đơn đặt hàng, theo quy định yêu cầu của nhà NK nước ngoài. Nhưng hiện nay, các DN đã tìm hiểu nhiều hơn. Ví dụ cùng XK sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu như hàng hóa cùng đáp ứng COVK hay COAK thì DN hoàn toàn có thể lựa chọn đối với mặt hàng đó. Nếu như thuế của FTA nào thấp hơn thì chọn FTA đấy, tránh trường hợp trước đây một số nhà NK nước ngoài áp đặt DN VN chỉ được xin COVK hoặc COAK, dẫn đến thiệt hại cho DN.
Liên quan tới trường hợp là C/O xuất khẩu, bà Hiền cho rằng, kể cả trong trường hợp RCEP, hay trong những hiệp định hiện nay thì Bộ Công Thương đã triển khai khai báo và cấp C/O qua Internet. Đây là việc làm bắt buộc đối với các hiệp định đã có hiệu lực và sắp tới với RCEP nếu hiệp định này được ký kết.
"Tức là trong bộ hồ sơ chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa thì DN thực hiện toàn bộ trên Internet và khi DN đến tổ chức cấp thì chỉ mang 2 tờ giấy: đơn đề nghị cấp C/O và tờ C/O đã khai hoàn chỉnh mang đến để lấy dấu và chữ ký của tổ chức cấp, chứ DN không cần mang cả tập hồ sơ đến", bà Hiền giải thích.
Về ngôn ngữ khai báo cho C/O, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất khẩu nhập đã đặc biệt lưu ý với các DN Việt Nam. Trong rất nhiều buổi trao đổi về C/O, Cục Xuất nhập khẩu đã nói rõ C/O là chứng từ thương mại quốc tế nên ngôn ngữ khai báo cho C/O phải bắt buộc bằng tiếng Anh.
"Một DN Hải Phòng trong quá trình đề nghị cấp C/O có khai báo mặt hàng "voi song" bằng tiếng Việt không dấu và đồng thời trên tờ C/O đó DN khai thiếu mã HS. Khi được yêu cầu đưa mã HS vào thì thay vì đưa mã HS của mặt hàng đá vôi ở chương 25, thì DN đã đưa nhầm thành mã HS 01 là con voi sống", bà Hiền nêu một ví dụ cụ thể.
Bà Hiền cho rằng, đương nhiên, cả vôi sống và voi sống đều có xuất xứ thuần túy vì đá vôi được khai thác tự nhiên ở Việt Nam, con voi được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và trọng lượng của voi cũng như vôi đều được tính bằng tấn. Nhưng về bản chất hàng hóa là sai hoàn toàn.
"Và khi phát hiện ra những trường hợp như thế này, khi ngôn ngữ khai báo trên C/O không phải bằng tiếng Anh thì chúng tôi có trao đổi với DN đề nghị DN sửa lại. Một số DN chia sẻ: thực ra điều này làm nên làm "thoáng" vì hải quan nước ngoài chưa chắc đã để ý và thực tế là DN đã "thoát" một vài lần như thế. Thế nhưng chỉ trong vài tuần khi phát hiện ra lỗi này, hải quan của Malaysia đã liên hệ ngược lại với chúng tôi. Tuy họ không nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa đó là đá vôi của Việt Nam mà chỉ có điều thể thức của tờ C/O và họ không hiểu những chữ trên C/O mô tả hàng hóa là gì", bà Hiền chia sẻ.
Nội dung phân biệt hóa đơn VAT và chứng từ xuất xứ cũng được bà Hiền giải thích rõ. Theo bà, hóa đơn VAT không được coi là chứng từ xuất xứ. Hóa đơn VAT chỉ thể hiện giao dịch được thực hiện như thế nào, chứ không thể hiện hàng hóa đó được nuôi/trồng tại đâu và được làm ra tại đâu.
Do đó, để có thể khai báo được, đề nghị DN sau này nếu sử dụng mẫu C/O mẫu RCEP hay hiện nay đang sử dụng các C/O mẫu khác thì cũng sẽ sử dụng phụ lục X (ban hành kèm theo Thông tư số 05/208/TT-BCT ngày 3 tháng 4 năm 2018 quy định về xuất xứ hàng hóa) để khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên vật liệu.
Ngoài ra, một điểm lưu ý nữa được bà Hiền đề cập đó là không phải DN có giấy chứng nhận xuất xứ C/O gửi sang nước nhập khẩu bên kia để được hưởng thuế quan ưu đãi là xong bởi vì theo quy định, cơ quan hải quan nước ngoài hoàn toàn có thể kiểm tra sau thông quan, kiểm tra sau 2, 3 năm hoặc thậm chí 10 năm. 10 năm sau chẳng may họ phát hiện ra C/O của chúng ta có vấn đề chứng từ tự chứng nhận xuất xứ thì họ có yêu cầu hậu kiểm và chứng minh xuất xứ.
Điều này liên quan đến lưu trữ chứng từ. Bà Hiền đề nghị các DN lưu trữ cả bản mềm và bản cứng, tránh trường hợp xảy ra những lý do bất khả kháng. Trường hợp này đã xảy ra với một công ty nhôm rất lớn tại Bắc Ninh. Khi đoàn hải quan Hàn Quốc vào thì DN không còn bản cứng chứng minh hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất xứ bởi tất cả đã bị thiêu cháy trong vụ hỏa hoạn xảy ra cách đó 3 năm. Hải quan Hàn Quốc buộc lòng vẫn phải cho DN hưởng ưu đãi chỉ vì việc cháy này là bất khả kháng.
Điểm lưu ý cuối cùng được bà Hiền nêu ra tại hội thảo, đó là Giấy chứng nhận xuất xứ C/) khác với khái niệm Made in Việt Nam hoặc Product of Việt Nam. C/O là chứng từ thương mại quốc tế và trong khuôn khổ các FTA thì C/O được dùng để nộp cho cơ quan hải quan nước ngoài để được hưởng thuế quan ưu đãi đối với hàng XK. Chính vì vậy, đối với hàng mua bán trong nước, sản xuất và tiêu thị trong nước thì không ai xin C/O. Nhiều cửa hàng Made in Việt Nam bán đầy đường thì rất nhiều đa phần trong số đấy chỉ có mác Made in Việt Nam chứ không có C/O của Việt Nam. Made in Việt Nam chỉ đơn giản liên quan đến ghi nhãn hàng hóa và cung cấp có thể về công đoạn sản xuất cuối cùng, một trong những công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại Việt Nam, chứ chưa chắc gì hàng đấy đã có C/O của Việt Nam.
Tiến trình đàm phán tiến tới ký kết hiệp ước thương mại tự do RCEP đã được bắt đầu vào năm 2013 và đã nhiều lần "lỡ" thời hạn chót được đặt ra. RCEP từng được kỳ vọng sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết trước năm 2015, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).
Phiên đàm phán giữa kỳ lần thứ 5 Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 24 - 31/5, với sự tham dự của các quan chức cao cấp từ 16 nước thành viên, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến đàm phán hiện nay.
Phiên họp này có ý nghĩa quan trọng khi các nước thành viên đang hướng tới kết thúc đàm phán hiệp định vào cuối năm nay.
Mặc dù tiến trình đàm phán RCEP đã bước sang năm thứ sáu, nhưng các cuộc đàm phán về các vấn đề chính vẫn chưa được hoàn tất. Các quốc gia thành viên vẫn chưa hoàn thành số lượng hàng hóa sẽ được loại bỏ thuế quan. Các thành viên RCEP muốn Ấn Độ loại bỏ hoặc giảm đáng kể thuế hải quan đối với số lượng hàng hóa tối đa được giao dịch. Thị trường nội địa khổng lồ của Ấn Độ mang đến cơ hội xuất khẩu lớn cho các nước RCEP.
Tuy nhiên, các ngành công nghiệp trong nước của Ấn Độ từ các lĩnh vực bao gồm kim loại, dược phẩm và chế biến thực phẩm đã gây ra mối lo ngại nghiêm trọng về sự hiện diện của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ thâm hụt thương mại rất lớn.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm