Hỗ trợ doanh nghiệp

Trong "cuộc chơi" tăng trưởng xanh, doanh nghiệp nhỏ không nên chuyển đổi tràn lan

DNVN - Theo giới chuyên gia, trong “cuộc chơi” tăng trưởng xanh toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nên chuyển đổi dàn trải đối với tất cả sản phẩm doanh nghiệp đang có. Thay vào đó, cần tập trung nguồn lực cho sản phẩm mũi nhọn mang tính cạnh tranh nhất của mình.

Kết nối đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc / Kiến nghị cần chính sách xúc tiến thương mại quy mô lớn với thị trường Á - Âu

Không chuyển đổi dàn trải

Xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Trên thực tế, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

Giới chuyên gia nhận định, để không bị loại khỏi “cuộc chơi” này, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Trong khi đó, DN Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế nên rất khó để thực hiện chuyển đổi xanh.

Nguồn lực hạn chế nên các DN loay hoay và đặt câu hỏi “phải bắt đầu chuyển đổi từ đâu, khi nào chuyển đổi và bằng cách nào để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường?”.

Tại diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanh diễn ra mới đây, bà Nguyễn Minh Huệ - Quản lý dự án, Công ty Tư vấn và Dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA cho rằng, để chuyển đổi xanh cần phải bắt đầu từ nhận thức của DN.

Doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải quan tâm tới “tính xanh” để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đầu tiên phải trả lời câu hỏi DN có muốn làm hay không? Nếu DN không muốn làm thì tất cả mọi hành động đều vô nghĩa vì không có định hướng.

Đội ngũ lãnh đạo DN đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ra quyết định. Nếu như đội ngũ lãnh đạo xây dựng được chiến lược, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh thì họ sẵn sàng ra quyết định làm, đầu tư và có kế hoạch cụ thể cho quá trình này.

Ở góc độ kiểm kê khí nhà kính, bà Huệ muốn nhắn nhủ DN rằng, mọi thứ đều phải bắt đầu từ dữ liệu. Nên ngay từ bây giờ, từng bước một DN phải lưu trữ và chuẩn hoá số liệu của mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho biết, trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, bản thân các DN nhỏ và vừa phải xác định rõ đâu là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm DN đang sản xuất ra.

Cần tập trung nguồn lực chuyển đổi xanh cho sản phẩm mũi nhọn, một số dòng sản phẩm mang tính cạnh tranh nhất của DN.

“DN rất khó để có được sản phẩm sạch, mang tính bền vững. Và để có sản phẩm xanh còn khó hơn gấp nhiều lần. Do đó, DN nhỏ và vừa với nguồn lực, nhân lực và kiến thức hạn chế cần phải có sự linh hoạt nhất định.

Phải chủ động chuyển đổi chiến lược, tức là tập trung vào 1 hay 2 sản phẩm, chứ không chuyển đổi dàn trải đối với tất cả sản phẩm DN đang có. Nếu chuyển đổi dàn tải sẽ tốn nhiều nguồn lực và ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn của DN”, ông Nam khuyến nghị.

DN có thể tự thực hiện chuyển đổi xanh nếu xét thấy đủ năng lực. Trong trường hợp DN không tự tin thì bước đầu có thể tìm đến các đơn vị tư vấn có chuẩn mực quốc tế.

“Đầu tư ban đầu có thể hơi đắt đỏ nhưng DN nên cố gắng theo chuẩn mực quốc tế. DN không nên loay hoay nay theo tiêu chuẩn này, mai theo tiêu chuẩn khác. 2, 3 năm sau đó khi đã ổn định, DN có thể tự “đi” được”, ông Nam khuyến nghị.

Xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị xây dựng một bộ tiêu chuẩn xanh cho các loại sản phẩm và năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu DN sẽ nhập khẩu.

Trong ngành thép, các chuyên gia kỹ thuật đang thảo luận về việc xây dựng tiêu chuẩn thế nào là không phát thải, phát thải thấp và phát thải cao để có thể phân loại các sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu. Trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chuẩn như vậy.

Ông Lê Văn An - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ DN cơ khí chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, theo ông An, trước khi hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, hiệp hội mong muốn Chính phủ giữ lại thị trường cơ khí cho DN trong nước phát triển để tránh tình trạng thua ngay trên sân nhà.

Bởi vì DN Việt Nam đa phần yếu về công nghệ, quản trị, vốn nhưng lại cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới tại thị trường nội địa.

“Từ việc giữ lại thị trường, Chính phủ sẽ có những hỗ trợ cụ thể để tác động vào việc DN chuyển đổi theo hướng phát triển xanh”, ông An nói.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm