Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”
DNVN - Sáng 22/7, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”.
Cấp 120 thẻ “luồng xanh” cho xe vận chuyển nông sản từ Lâm Đồng về TP Hồ Chí Minh / Không yêu cầu lái xe trình giấy xét nghiệm COVID-19 khi lưu thông trong nội bộ khu vực giãn cách
Kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan dù gặp nhiều khó khăn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tế tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.
Thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đạt kết quả khả quan, tổng thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3%; tổng chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9%. Số thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 13,9%. Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trong những tháng đầu năm 2021 tăng cao hơn; thu NSNN 6 tháng từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng 37,5% so với cùng kỳ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm; thị trường chứng khoán tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao đạt 32,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tích cực; giải ngân vốn FDI ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh; Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”; triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm
Cũng theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục khó khăn của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Việc triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội còn chậm. Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.
Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.
Ngoài ra, ủy ban này đề nghị Chính phủ cần phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo