Hỗ trợ doanh nghiệp

VASEP kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản "sống chung với đại dịch"

DNVN - VASEP mới đưa ra một loạt kiến nghị với Chính phủ và Bộ NN&PTNT hỗ trợ doanh nghiệp: Hướng dẫn bộ quy tắc “Y tế tại chỗ”, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, hỗ trợ người có thu nhập thấp, giảm lãi vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện. Đồng thời kiến nghị báo chí không nêu tên doanh nghiệp có ca nhiễm COVID-19.

Bùng phát F0 tại nhiều nhà máy: Đề xuất chỉ thực hiện "3 tại chỗ" khi kiểm soát được dịch / Trà Vinh: Thương lái trong tỉnh được đi lại giữa các nơi để thu mua nông, thủy sản


VASEP kiến nghị một loạt giải pháp để sống chung với đại dịch, phục hồi phát triển trong bối cảnh mới.

VASEP kiến nghị một loạt giải pháp để doanh nghiệp "sống chung với đại dịch", phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.

Ngày 30/7/2021, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 89/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan để báo cáo các khó khăn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà máy chế biến thuỷ sản và một số đề xuất, kiến nghị phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau giai đoạn "3 tại chỗ".

Theo đó, VASEP cho rằng trong dài hạn ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ phải sống chung với đại dịch lâu dài. Nhiều chuyên gia dịch tễ và kinh tế học đã có các phân tích và đánh giá, nhận định “sống chung với đại dịch”. Kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi, các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa...sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trước đây.

Đại dịch thúc đẩy công việc, việc làm thực hiện xuyên biên giới nên việc xuất khẩu lao động sẽ giảm nhiều. Với dân số và lao động đông, Việt Nam chúng ta sẽ trực diện với vấn đề đào tạo lại và bảo đảm công ăn việc làm cho một lực lượng lao động lớn.

Nhận định việc chủ động, sẵn sàng sống chung với dịch và sẽ phải có chiến lược phát triển, phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới, Hiệp hội VASEP xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau trong tiếp cận này:

Bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “Y tế tại chỗ”

Thực hiện phương châm “ 3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp (DN) là có hạn, do đó đối với các ngành sản xuất, xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được chích vaccine phòng dịch để các DN chủ động lên phương án sản xuất. Các DN đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu (XK) tăng vào dịp cuối năm.

 

VASEP kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và DN thực hiện "Y tế tại chỗ" . Thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa DN và CDC, các DN sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho DN 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.

Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các DN trong thực hiện “3 tại chỗ” như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm. Hướng dẫn các biện pháp an toàn “chặt trong, chặt ngoài” kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp, nhằm giảm tổn thất cho DN và sinh kế cho công nhân đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy.

Hướng dẫn thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm” theo tiếp cận là công nhân đã được chích vaccine và khu vực cư trú của công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy với hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc:

Như VASEP đã báo cáo, về lâu dài, việc áp dụng “3 tại chỗ” khi dịch bùng phát sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng và áp lực cho DN trong việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và XK hàng hóa.

VASEP đề xuất Bộ Y tế xem xét các điều kiện để thực hiện phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm” kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của DN, của cơ quan y tế địa phương. Khi đó, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về “1 cung đường-2 địa điểm” - trong đó “1 cung đường” là đảm bảo cung đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát và “2 địa điểm” là tại nhà máy tuân thủ quy định phòng dịch của DN và tại nhà, nơi cư trú sẽ tuân thủ quy định cách ly tại nhà khi cần thiết để bảo đảm chống dịch.

 

Hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn

Trong khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài tình hình, thì việc ngày càng nhiều người lao động tự kéo nhau về quê trong mấy ngày qua là một điều phải suy nghĩ. Người lao động bị mất việc, đặc biệt là lao động tự do tại các tỉnh, thành phố có dịch là đối tượng bị tổn thương rõ rệt nhất, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 khi thu nhập bị sụt giảm.

Cũng theo nghiên cứu Gutenberg về COVID-19 thì ảnh hưởng của đại dịch vào thu nhập của người dân nặng nề nhất là vào nhóm người có thu nhập thấp. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chính cho thành phần này trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch là cần thiết. Thời gian qua, chúng ta cũng thấy và ghi nhận hết sức trân trọng là đã có nhiều tổ chức tự nguyện hoặc nhóm thiện nguyện của người dân từ nhiều nơi hoạt động tích cực hỗ trợ cho người nghèo, người lao động mất việc trên nhiều địa phương khác nhau.

Chính phủ đã công bố các chính sách hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19. Đây là những chính sách lớn và hết sức ý nghĩa, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc phối hợp công - tư, bao gồm cả các tổ chức thiện nguyện được chọn để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ hết sức ý nghĩa vào bối cảnh hiện nay.

Hỗ trợ doanh nghiệp

 

Chính phủ đã có Nghị quyết 68 và Quyết định 23 với các chính sách, cơ chế hỗ trợ DN. Nhưng bình diện chung là việc thực thi còn chậm với nhiều lý do. Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay và những phát sinh trong việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” như báo cáo trên, để có các hỗ trợ kịp thời cho DN trong bối cảnh hiện nay và khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu, Hiệp hội VASEP xin có một số đề xuất và kiến nghị khẩn với Thủ tướng Chính phủ:

Có chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các DN và các Hiệp hội DN khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ.

Có các chính sách ưu tiên về: Giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các DN – đây là những hỗ trợ quý báu để DN có thêm điểm dựa trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để duy trì được “3 tại chỗ” và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

VASEP cũng đề nghị tăng mức hỗ trợ từ nguồn BHXH-BHYT-TNLĐ cho DN, và đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ TT&TT xem xét chỉ đạo việc không công khai tên của DN nếu có ca nhiễm COVID-19 lên các phương tiện truyền thông nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động và hình ảnh của DN trong bối cảnh hiện nay và khả năng phục hồi sản xuất.

 

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm