Hỗ trợ doanh nghiệp

VASEP tha thiết xin Thủ tướng ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tại các nhà máy “3 tại chỗ”

DNVN - VASEP đề nghị Thủ tướng đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ”. Người lao động trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu, trong các nhà máy, các khu công nghiệp thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, xuất khẩu thủy sản nói riêng.

Bùng phát F0 tại nhiều nhà máy: Đề xuất chỉ thực hiện "3 tại chỗ" khi kiểm soát được dịch / Trà Vinh: Thương lái trong tỉnh được đi lại giữa các nơi để thu mua nông, thủy sản


Ngày 30/7/2021, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 89/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan để báo cáo các khó khăn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà máy chế biến thuỷ sản và một số đề xuất, kiến nghị phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau giai đoạn “3 tại chỗ”.

Chỉ 30% doanh nghiệp thủy sản đảm bảo được “3 tại chỗ”

Tại công văn này, VASEP đã có báo cáo nhanh về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) thủy sản trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành phía Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các DN chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Các DN thủy sản đã chung tay sát cánh cùng Chính phủ thực hiện nghiêm các quy định nhằm vừa chống dịch vừa duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện hơn 1 tuần qua đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì.....phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.

VASEP và các DN thấy rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần.

Trong khi đó, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 đạt được thành tích hết sức khả quan khi tranh thủ được nhu cầu tiêu thụ của các nước tăng cao. Tổng xuất khẩu 4,12 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020.

Từ những khó khăn thực tế kể trên của các DN thủy sản, cùng với cơ hội sản xuất-xuất khẩu thủy sản mà Việt Nam đang có và kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang vừa qua, VASEP có một số nhận định và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản như sau:

Ưu tiên tiêm vaccine ngay cho lao động trong ngành thủy sản

Hiện với biến thể mới của COVID-19 đã khiến diễn biến dịch ngày càng phức tạp, chính quyền các địa phương và DN đã rất nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép thời gian qua, bao gồm cả phương thức “3 tại chỗ” như báo cáo trên. Hiệp hội thấy rằng, dù việc chống dịch là nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn phải duy trì sản xuất và lưu thông những mặt hàng thiết yếu và phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Hiệp hội tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

VASEP tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Do thực tế lượng vaccine còn hạn chế và không có ngay một lúc, Hiệp hội tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp – thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, XK thủy sản nói riêng), trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.

"Với thứ tự ưu tiên và tập trung tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông-ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước. Điều này cũng để khẳng định rằng, chúng ta trong ngắn hạn lúc này vẫn phải thực hiện mục tiêu kép nhưng với trọng tâm mới là phát triển kinh tế với trọng điểm là sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng xuất khẩu", VASEP đề nghị.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm