Hỗ trợ doanh nghiệp

Viettel, Con Ong, Mộc Hoa đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây trung tâm logistics tại Đà Nẵng

DNVN - Theo UBND TP Đà Nẵng, triển khai đề án phát triển dịch vụ logistics TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng đã cấp mới 3 dự án logistics vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng và KCN Liên Chiểu.

Đà Nẵng: Gỡ khó cho du lịch thuỷ nội địa / Đà Nẵng: Phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc

3 dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Gồm dự án Trung tâm Phân phối Con Ong của Công ty CP Phân phối Con Ong (100 tỷ đồng) và dự án Trung tâm Logistics Mộc Hoa của Công ty CP Mộc Hoa (250 tỷ đồng) vào Khu dịch vụ, hậu cần và dịch vụ logistics thuộc Khu công nghệ cao Đà Nẵng; dự án xây dựng Trung tâm Logistics Đà Nẵng của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (729 tỷ đồng) vào KCN Liên Chiểu.

hạ tầng giao thông của TP Đà Nẵng tuy đã được đầu tư khá đồng bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của dịch vụ logistics.

Hạ tầng giao thông của Đà Nẵng tuy đã đầu tư khá đồng bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển dịch vụ logistics.

Cùng với đó, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ Công ty CP Cảng Đà Nẵng triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Trung tâm Dịch vụ logistics tại xã Hoà Nhơn (huyện Hoà Vang). Cảng Đà Nẵng đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn và đang khảo sát thiết kế bản vẽ thi công; công tác cắm cọc ranh giới và phát quang mặt bằng đã cơ bản hoàn thành.

Đề án “Phát triển dịch vụ logistics TP Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được UBND TP Đà Nẵng ban hành theo Quyết định 940/QĐ-UBND (ngày 9/5/2023).

Qua nửa năm triển khai, UBND TP Đà Nẵng cho biết bên cạnh một số kết quả bước đầu, việc tổ chức thực hiện đề án cũng gặp một số khó khăn. Theo đó, hạ tầng giao thông của TP Đà Nẵng tuy đã đầu tư khá đồng bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của dịch vụ logistics. Việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics còn lúng túng, thiếu cơ sở pháp lý từ Trung ương.

Đáng chú ý, các dự án hạ tầng logistics không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành). Vì vậy việc tạo quỹ đất sạch (thu hồi đất) để triển khai lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án trung tâm logistics đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

UBND TP Đà Nẵng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Xây dựng phương án xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics và triển khai các hoạt động xúc tiến cho ngành logistics.

Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài và mời các đoàn doanh nghiệp nước ngoài về Đà Nẵng trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics; nghiên cứu tổ chức kết nối đầu tư sang các tỉnh Nam Trung Lào; đăng cai tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics; tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics.

UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ nghiên cứu tổ chức triển lãm logistics Đà Nẵng 2024 (lồng ghép, kết hợp với hội chợ quốc tế thương mại – du lịch và đầu tư Hàng lang kinh tế Đông Tây (EWEC) – Đà Nẵng 2024). Chú trọng thông tin, giới thiệu tiềm năng, lợi thế về dịch vụ logistics trên địa bàn TP Đà Nẵng và tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; tạo môi trường kết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động logistics với các khách hàng tiềm năng.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm