Hỗ trợ doanh nghiệp

Vĩnh Long: 30.000 tấn khoai lang Nhật chưa tiêu thụ được, nông dân có nguy cơ trắng tay

DNVN – Trên địa bàn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 850 ha khoai lang tím nhật đến vụ thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 30.000 tấn khoai xô. Thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc nhưng hiện nay sản phẩm này đã không được thu mua nữa. Người nông dân đang đứng trước nguy cơ trắng tay.

Lo ngại tiêu thụ nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn vì COVID-19 / Tìm lối ra để nông sản không phải trông chờ vào "giải cứu"

Mới đây, CEO Cuccu.vn, ông Đỗ Thắng cho biết, sau thành công của chiến dịch hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều từ vườn tới tay người tiêu dùng, tới đây sẽ có mặt hàng khoai lang tím Vĩnh Long, nhãn lồng Hưng Yên, nem chua Thanh Hóa tiếp tục lên sàn. Cuccu.vn đã khởi động chiến dịch tiêu thụ vải thiều từ ngày 31/5 đến 10/6/2021, lượng đặt mua vải thiều đã lên tới con số 81 tấn vải, mở ra một hướng mới tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản trên thương mại điện tử.

Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại và đang có diễn biến phức tạp, lại chính vào mùa thu hoạch của nhiều mặt hàng nông sản đã ảnh hưởng đến việc lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Không những khoai lang mà còn nhiều nông sản khác cũng đang cùng chịu chung cảnh ngộ, tắc đầu ra, rớt giá. Trong đó, giá khoai lang tím Nhật đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 850 ha khoai lang tím Nhật đang đến vụ thu hoạch, ước sản lượng khoảng 30.000 tấn khoai xô. Trong khi đó, khoai lang tím Nhật có thị trường chính là Trung Quốc.

Hiện nay, tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím Nhật loại đẹp đang được doanh nghiệp thu mua chỉ 60.000 đồng/tạ, mua tại ruộng giá còn thấp hơn nhưng vẫn rất ít người mua. Thậm chí, có thời diểm khoai lang được chào giá chỉ khoảng 35.000 đồng/tạ cũng không có người mua.

Cùng với đó, hiện nay Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch khoai nên nhu cầu của nước này có giảm. Thêm vào đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng khiến cho tình hình giao thương giữa hai nước gặp không ít khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khoai lang tím ở đây không thể tiêu thụ.

Khoai lang tím Nhật giá chạm đáy - Người dân Vĩnh Long đứng trước nguy cơ trắng tay vì Covid-19.

Khoai lang tím Nhật giá chạm đáy - Người dân Vĩnh Long đứng trước nguy cơ trắng tay vì Covid-19.

Ông Lưu Tú Dương, chủ một doanh nghiệp chuyên thu mua khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại địa bàn thị xã Bình Minh cho biết, trước đây ở thời điểm xuất khẩu thuận lợi mỗi ngày doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu 3 container khoai lang tím Nhật sang thị trường Trung Quốc. Còn hiện tại, doanh nghiệp phải xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường biển 2 ngày mới đi được 1 container. Xuất khẩu bằng đường biển gặp rất nhiều rủi ro và chi phí phát sinh nên hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều hạn chế, thậm chí không hoạt động.

Với giá khoai rẻ như hiện nay, nông dân ở huyện Vĩnh Long gần như lỗ trắng trong vụ khoai này. Ước chi phí sản xuất mỗi công khoai lang tím Nhật khoảng 15 - 20 triệu đồng. Tuỳ vào kỹ thuật canh tác và nông dân có sản xuất trên đất nhà hay thuê đất. Giá đất thuê trồng khoai dao động từ 3 - 5 triệu đồng/công. Người nông dân ở đây cho biết, nếu như bán khoai với giá 35.000 – 40.000 đồng/tạ thì tính ra họ đang phải chịu lỗ 3 triệu mỗi công. Thu hoạch thì lỗ, mà không thu hoạch thì không có đất để trồng vụ mới.

Trước những khó khăn của bà con nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, cụ thể là sản phẩm khoai lang tím giống Nhật, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Giải pháp trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán khoai lang tím Nhật tiêu thụ trong nước. Cùng với đó sẽ tuyên truyền thông tin tình hình khó khăn để các cấp, các ngành, đoàn thể, người tiêu dùng, các công ty doanh nghiệp có đông lực lượng lao động chung tay chia sẻ và hỗ trợ cho người dân trồng khoai lang ở huyện Bình Tân vượt qua khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tỉnh sẽ quy hoạch vùng trồng khoai lang dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ. Quan điểm chung là không khuyến khích độc canh khoai lang liên tục mà áp dụng luân canh, xây dựng lịch thời vụ phù hợp, tránh việc thu hoạch quá nhiều cùng thời điểm, sẽ dễ bị rớt giá.

Cũng theo ông Liêm, giải pháp căn cơ và lâu dài là tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra (củ tươi, khoai lang sấy, tinh bột khoai, các loại bánh, sữa làm từ khoai lang...) và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ khoai lang (Trung Quốc và các thị trường khác).

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ liên kết với hợp tác xã, nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ khoai thông qua các hợp đồng liên kết để ổn định sản xuất, giá cả.

Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản nói chung cũng như cây khoai nói riêng, Sở NN-PTNT Vĩnh Long kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nông sản không chỉ khoai lang, mà còn một số loại nông sản khác cũng đang bị rớt giá như mít, cá tra các loại rau màu, trái cây.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm