Yêu cầu điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
DNVN - Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo một số bộ và cơ quan quản lý xây dựng hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn; kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của các DN và hiệp hội.
Ngành Thuế cảnh báo việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp / Ký kết hợp đồng BOT xây dựng cao tốc Cao Lâm – Vĩnh Hảo gần 9.000 tỷ đồng
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các DN, hiệp hội tháng 6/2021 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Ban IV để có giải pháp tốt hơn trong quản lý, chỉ đạo điều hành; chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của các DN, hiệp hội DN.
Chính phủ yêu cầu điều chỉnh cơ chế, chính sách và hỗ trợ DN vượt qua khó khăn vì COVID-19.
Tháng trước, Ban IV đã tiến hành cuộc khảo sát ý kiến DN, hiệp hội về đề xuất với 3 nhóm chính sách cụ thể liên quan đến DN và NLĐ, gồm: Chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; Chính sách tiếp tục hỗ trợ DN giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch; Chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19
Qua khảo sát, Ban IV đánh giá, đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua. Kỳ vọng của doanh nghiệp hiện tập trung nhiều vào nhóm chính sách liên quan tới chiến dịch vaccine phòng COVID-19.
Theo Ban IV, việc này có thể lý giải là do cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách hoặc quá trình thực thi chính sách đang còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN và NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh.
Do đó, Ban IV đề xuất, đối với các chính sách hỗ trợ tới đây, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị. Song song với đó, cần tổ chức công tác giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên và chú trọng việc truyền thông chính sách để khâu thực thi luôn bảo đảm tính minh bạch, thuận tiện cho DN và NLĐ.
Bên cạnh các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trước mắt, có tính chất ngắn hạn để tạm thời vượt qua khó khăn, DN/hiệp hội DN tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với DN để cùng tìm ra các giải pháp có tính “dài hơi” hơn. Qua đó, phối hợp chặt chẽ tâm - trí - lực của hai khối công - tư để nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh đại dịch ở từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó là đánh giá các biện pháp cần thiết cả ở góc độ chính sách cũng như hành động chủ động của DN nhằm tận dụng tốt cơ hội, đồng thời hạn chế các khó khăn đã, đang và sẽ phát sinh.
Trong báo cáo tổng hợp đề xuất, kiến nghị của DN và hiệp hội, Ban IV bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của DN, NLĐ, trên cơ sở đó chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng tốc xây dựng, đệ trình các chính sách hiệu quả, khả thi để giảm bớt thiệt hại do COVID-19 gây ra và định hướng phát triển tốt hơn.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo