Hỗ trợ doanh nghiệp

Các địa phương ứng phó thế nào khi doanh nghiệp “3 tại chỗ” thành ổ dịch?

DNVN - Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” trở thành ổ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… đã phải dừng hoạt động. Với yêu cầu tạm dừng hoạt động, khiến doanh nghiệp không khỏi bất ngờ.

Bình Dương: Nhà máy, xí nghiệp trở thành "ngôi nhà thứ 2" của công nhân giữa đại dịch / Bình Dương: Doanh nghiệp phải dừng hoạt động nếu không thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm"

Khi “3 tại chỗ” thành ổ dịch

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 72/186 doanh nghiệp đang áp dụng phương án “3 tại chỗ” (ăn - ở - sản xuất tại chổ), với trên 12.000 lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt yêu cầu, vì nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, còn chủ quan, thiếu kiểm tra, kiểm soát người lao động.

Doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ công nhân viên trước khi tổ chức phương án sản xuất "3 tại chổ".

Doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ công nhân viên trước khi thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ".

Sự chủ quan này đã xảy ra các ổ dịch lớn nhỏ trong KCN và gần đây nhất là ổ dịch Công ty cổ phần Gò Đàng với 180/550 công nhân nhiễm COVID-19. Ngoài ra, qua tầm soát, ngành chức năng cũng phát hiện Công ty Thép không gỉ Quảng Thượng Việt Nam, Công ty TNHH Giày Apache (KCN Long Giang), cũng đã có nhiều công nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp “3 tại chỗ” cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi những ngày qua phát hiện nhiều trường hợp công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Thông tin từ Sở Y tỉnh tế Đồng Nai, qua xét nghiệm nhanh 52 lao động tại Công ty Friwor (KCN Amata), đã phát hiện 20 ca dương tính với SARS-CoV-2; Công ty Unipax có 6 ca; Công ty Tuico (KCN Hố Nai - Trảng Bom) có 5 ca dương tính; tại huyện Nhơn Trạch cũng có 2 doanh nghiệp có nhiều ca nhiễm.

Còn tại Bình Dương, hiện có 3.436 doanh nghiệp trong và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Trong đó, trong KCN có 1.894 doanh nghiệp với gần 273.842 lao động đăng lý làm việc; ngoài KCN có 1.542 doanh nghiệp với gần 117.179 lao động đăng ký làm việc.

Tuy nhiên, sau gần nửa tháng thực hiện, có khoảng 150 doanh nghiệp xuất hiện trường hợp công nhân dương tính với SARS-CoV-2 khi tiến hành test nhanh. Trước nguy cơ lây nhiễm chéo, các doanh nghiệp đã tách F0 ra cách ly riêng tại nhà máy trong khi chờ cơ quan y tế giải quyết. Theo ghi nhận, có cả doanh nghiệp trong và ngoài KCN đều ghi nhận bệnh nhân COVID-19 khi thực hiện phương án "3 tại chỗ".

 

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cho biết, công ty có 300 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Khi ở lại làm việc, công nhân phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Doanh nghiệp bố trí nơi ngủ sạch sẽ, an toàn cho người lao động ngay tại nhà máy.

Nhiều doanh nghiệp bố trí nơi ngủ nghỉ sạch sẽ, an toàn cho người lao động ngay tại nhà máy.

Thế nhưng ngày 20/7, một thợ điện của công ty sau 2 lần test nhanh và xét nghiệm PCR đều có kết quả dương tính. Ngày 21/7, Công ty hợp đồng với Phòng khám quốc tế Long Bình xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân. Kết quả, có 248 người dương tính với SARS-CoV-2. Tối cùng ngày, cơ quan chức năng TP Dĩ An đã đến công ty, tổ chức đưa F0 đi điều trị. Riêng 40 người F1 có kết quả âm tính, được yêu cầu tiếp tục thực hiện 5K và tiến hành phun khử khuẩn toàn công ty.

 

Còn tại Công ty TNHH Nội thất New Fortune (KCN Nam Tân Uyên mở rộng), từ khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” đến nay, công ty đã phát hiện 37 ca dương tính. Doanh nghiệp đã thông báo tình hình với ngành chức năng để đưa các trường hợp F0 đi điều trị và các F1 cách ly theo hướng dẫn.

Nơi doanh nghiệp xin dừng, nơi kêu cứu

Lý giải về việc doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” nhưng vẫn bị dịch COVID-19 xâm nhập, ngành y tế các địa phương cho rằng, việc xét nghiệm nhanh, xét nghiệm ngẫu nhiên, nguy cơ bỏ sót ca bệnh khá cao. Bên cạnh đó, có những trường hợp ở thời điểm xét nghiệm chỉ đang mang mầm bệnh, sau đó mới phát bệnh rồi lây nhiễm là điều khó tránh khỏi và trong quá trình tiếp tục tầm soát trong doanh nghiệp mới phát hiện được.

Nhà ăn cũng được thực hiện giãn cách và chia số lượng để tránh tập trung.

Nhà ăn công nhân cũng được thực hiện giãn cách và chia số lượng để tránh tập trung.

 

Theo ông Phạm Văn Cường- Phó Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp có ca dương tính với SARS-CoV-2 phải tạm dừng sản xuất để cơ quan chức năng truy vết, khử khuẩn. Công nhân về nơi cư trú cũng phải thực hiện xét nghiệm, bảo đảm âm tính mới cho về cộng đồng và địa phương sẽ tiếp tục thực hiện giám sát, cách ly theo quy định.

“Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang kiểm tra, đánh giá nguyên nhân phát sinh các ca dương tính trong các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” để có những điều chỉnh thích hợp, tránh đứt gãy sản xuất của doanh nghiệp và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động”, ông Phạm Văn Cường cho biết thêm.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, hiện có khoảng hơn 100 doanh nghiệp đã có văn bản xin tạm dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ” và ngành chức năng tỉnh này đang hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục cần thiết để dừng hoạt động theo đúng quy định và an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, trong quá trình thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”, khi xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, có doanh nghiệp trên địa bàn phát hiện các ca nhiễm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động.

 

Để bảo đảm việc thực hiện 2 phương án trên theo đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương đã yêu cầu doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất khi bảo đảm toàn bộ người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

“Khi phát hiện các ca F0 hoặc nghi nhiễm qua xét nghiệm phải tạm thời dừng ngay hoạt động sản xuất và thực hiện ngay phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định”, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương yêu cầu.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Thao- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, khẳng định, tỉnh đang làm hết sức mình bảo vệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, bảo đảm an toàn dịch bệnh để tiếp tục sản xuất.

“Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp hãy đồng hành với chính quyền địa phương, giữ vững “thành trì” chống dịch. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay”, ông Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh.

Trong khi đó do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh và việc thực tế thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phát sinh nhiều ổ dịch, UBND tỉnh Tiền Giang đã thông báo tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đang thực hiện phương án "3 tại chỗ", kể từ ngày 5/8, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

 

Tỉnh Tiền Giang yêu cầu, trước khi tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tập trung nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện hoàn thành việc xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp RT-PCR cho tất cả công nhân, người quản lý chậm nhất ngày 4/8.

Sau khi nhận được thông tin phải tạm dừng hoạt động, có doanh nghiệp đang thực hiện tốt phương án "3 tại chỗ" tại Tiền Giang đã có đơn kêu cứu gửi ngành chức năng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là cú sốc lớn cho đơn vị, vì đã chi ra hàng chục tỉ đồng để bố trí hơn 1.000 công nhân sản xuất “3 tại chỗ”, việc dừng sản xuất sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại khác nghiêm trọng.

"3 tại chổ" giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép.

"3 tại chỗ" giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép.

Có thể thấy, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” là phương án sản xuất tối ưu để doanh nghiệp bảo đảm thực hiện tốt nhất "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế.

 

Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ, nên trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ phát sinh những khó khăn, trở ngại không thể lường trước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp rà soát, đánh giá nguyên nhân, để có những điều chỉnh thích hợp, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm