Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đà Nẵng: Tập huấn khách sạn thích ứng nhu cầu thay đổi của khách

DNVN - Ngày 6/4, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn “Nghiệp vụ buồng phòng chuyên nghiệp trong điều kiện bình thường mới” nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và kiện toàn đội ngũ nhân sự phụ trách công tác buồng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch để trở lại hoạt động sau một thời gian tạm ngừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đà Nẵng quyết ngăn chặn thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản / Đà Nẵng: Yêu cầu đảm bảo môi trường du lịch và hình ảnh của điểm đến

Lớp tập huấn “Nghiệp vụ buồng phòng chuyên nghiệp trong điều kiện bình thường mới” do Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với CDC Đà Nẵng và CLB Buồng phòng Việt Nam tổ chức ngày 6/4 tập trung hướng dẫn các trưởng/ giám sát/ nhân viên bộ phận buồng phòng về công tác phòng chống dịch và xử lý sự cố y tế tại cơ sở lưu trú du lịch; Cập nhật tình hình triển khai các quy định an toàn phòng chống COVID-19 trong khách sạn quốc tế; Hướng dẫn và thực hành quy trình mẫu và các quy tắc an toàn trong nghiệp vụ vệ sinh và chuẩn bị buồng phòng cho khách; Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Lớp tập huấn “Nghiệp vụ buồng phòng chuyên nghiệp trong điều kiện bình thường mới” do Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với CDC Đà Nẵng, CLB Buồng phòng Việt Nam tổ chức ngày 6/4

Lớp tập huấn “Nghiệp vụ buồng phòng chuyên nghiệp trong điều kiện bình thường mới” do Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với CDC Đà Nẵng, CLB Buồng phòng Việt Nam tổ chức ngày 6/4.

Theo ông Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB Buồng phòng Việt Nam, xu hướng nhu cầu của khách lưu trú tại các khách sạn hiện có nhiều thay đổi so với trước. Khách muốn có trải nghiệm nhận phòng và trả phòng ít tiếp xúc và muốn tránh chạm vào các vật dụng do nhân viên hoặc các khách khác cầm vào (cửa trước, bút, màn hình cảm ứng, nút thang máy…). Vì vậy khách sạn cần giới thiệu các biện pháp cho phép nhận/trả phòng “ít/không tiếp xúc” và giảm thời gian khách ở sảnh; tham khảo các giải pháp công nghệ (ví dụ: Zingle, tùy theo khả năng của các khách sạn).

Khi du khách bày tỏ lo lắng về việc nhân viên đụng chạm các vật dụng cá nhân của mình (hành lý, tiền mặt và thẻ tín dụng), ông Nguyễn Quang đề xuất các khách sạn nên hướng dẫn cho khách về sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) của nhân viên, xác định các quy trình xử lý vật chất (tiền mặt, thẻ tín dụng, giấy tờ) và xem xét triển khai các phương pháp xử lý an toàn.

Nếu du khách muốn kiểm chứng rằng khách sạn và các phòng nghỉ đã được làm sạch kỹ lưỡng thì các khách sạn cần bố trí các biển báo chỉ ra thời điểm một khu vực được làm sạch lần cuối; tách biệt các vật dụng “sạch sẽ” và “đã qua sử dụng” có tính cảm ứng cao (ví dụ: xe đẩy hành lý), tiến hành dọn dẹp hàng giờ và rõ ràng các khu vực công cộng. Đồng thời cân nhắc sử dụng các sản phẩm có mùi hương tạo ra bầu không khí “sạch sẽ”.

Cũng theo ông Nguyễn Quang, trong điều kiện bình thường mới, du khách mong đợi được cung cấp các phương tiện khử trùng trong tất cả các khu vực của khách sạn, bao gồm cả phòng riêng của họ. Vì vậy các khách sạn cần cung cấp nước khử khuẩn tay thông qua máy xịt tự động ở các vị trí chiến lược trong toàn bộ khách sạn; xem xét cung cấp vật liệu khử trùng trong phòng khách (ngoài xà phòng).

Chuyên gia Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB Buồng phòng Việt Nam hướng dẫn tại lớp tập huấn

Ông Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB Buồng phòng Việt Nam hướng dẫn tại lớp tập huấn

Hiện du khách có nhiều ý kiến trái chiều về dịch vụ dọn phòng, một số không thích nhân viên dọn phòng vào phòng của họ, số khác lại xem việc dọn phòng là cần thiết hơn bao giờ hết. Thực tế là khách đang quan tâm và kiểm soát nhiều hơn đối với trải nghiệm của họ. Do vậy các khách sạn cần để cho khách quyết định có chọn tham gia dịch vụ dọn phòng hay không?

Chuyên gia Nguyễn Quang cũng cho biết, xu hướng nhu cầu của du khách hiện nay là rất quan tâm đến tầm quan trọng của các giao tiếp giãn cách xã hội, thậm chí có khách còn yêu cầu các phòng cách xa nhau giữa các khách. Một số khách khác muốn các cơ sở và dịch vụ mở cửa trở lại nhưng với khả năng tiếp cận hạn chế. Vì vậy các khách sạn mở cửa trở lại và phục vụ bữa sáng đầy đủ cần xem xét về khối lượng/mật độ khách và các biện pháp giãn cách xã hội…

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, do ảnh hưởng dịch COVID-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TP phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài, dẫn đến hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự của các đơn vị cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến việc thay đổi hành vi và xu hướng của khách du lịch. Du khách chú trọng hơn đến các yếu tố an toàn sức khỏe, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Trước tình hình đó, việc Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn “Nghiệp vụ buồng phòng chuyên nghiệp trong điều kiện bình thường mới” nằm trong chuỗi chương trình tập huấn hướng dẫn nhằm đảm bảo các điều kiện khi hoạt động kinh doanh trở lại, kiện toàn đội ngũ nhân sự ngành du lịch về nhận thức, thái độ, tư duy dịch vụ chuyên nghiệp và cách xử lý các tình huống thường gặp trong quá trình phục vụ khách.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm