Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập đoàn Đèo Cả hiến kế xây dựng cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Bình Định

DNVN - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng hiến kế cho lãnh đạo tỉnh Bình Định từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án tại Lạng Sơn, Tiền Giang, Quảng Ninh.

“Ông lớn” lĩnh vực hạ tầng giao thông muốn sớm hiện thực hoá cao tốc Dầu Giây – Liên Khương / Hầm Đèo Cả: Phục vụ hơn 6 triệu lượt xe sau 3 năm vận hành

Mới đây, theo lời mời của UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn Đèo Cả đã có buổi làm việc để tư vấn, đề xuất phương án đầu tư Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bình Định quy trình triển khai dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư.

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bình Định quy trình triển khai dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư.

Theo ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, với mong muốn tiếp tục gắn bó và đồng hành với sự phát triển của địa phương, dựa trên phương án quy hoạch, Tập đoàn đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu, để đưa ra đề xuất phương án đầu tư tuyến đường cao tốc.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bình Định “Quy trình triển khai dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư”, dựa trên những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án mà Tập đoàn đã, đang triển khai tại các tỉnh Lạng Sơn, Tiền Giang, Quảng Ninh. Đó là những dự án mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết là mô hình PPP thành công.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, khi luật PPP có hiệu lực tỉnh Lâm Đồng cùng Tập đoàn Đèo Cả đã mạnh dạn tiên phong thực hiện Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Đến nay, Dự án đã đạt được những kết quả nhất định.

“Trong bối cảnh Luật PPP mới ra đời vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện, nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn tín dụng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT ngày càng bị thắt chặt thì giải pháp tối ưu để triển khai dự án là thực hiện theo phương thức “3 chữ P””, Chủ tịch Tập đào Đèo Cả chia sẻ.

 

Theo đó, chữ P thứ nhất là vốn ngân sách nhà nước: Thể hiện sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, thống nhất phương án tuyến, cơ cấu vốn địa phương, Trung ương và vốn cần kêu gọi để định hướng cho việc khai thông huy động vốn.

Chữ P thứ hai là vốn chủ sở hữu: Cần chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính để cùng địa phương lập quy hoạch và quản lý.

Chữ P thứ ba là vốn huy động khác: Xác định phương án đầu tư, nhu cầu vốn và các tiềm năng, lợi thế của địa phương có dự án đi qua hỗ trợ tạo nguồn đầu tư cao tốc như bất động sản, đô thị công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics… thuận lợi trong việc kêu gọi vốn.

Sau khi lắng nghe Tập đoàn Đèo Cả trình bày về phương án, đề xuất giải pháp xây dựng Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất giao Tập đoàn Đèo Cả phối hợp các sở ngành của tỉnh khảo sát cụ thể, tối ưu hướng tuyến, nút giao để ưu tiên kết nối cao tốc với các quy hoạch của địa phương; lập quy hoạch các mỏ vật liệu (đất, cát, đá,…), trạm dừng nghỉ, trung tâm điều hành phục vụ thi công Dự án...

UBND tỉnh Bình Định cũng thống nhất việc Tập đoàn Đèo Cả tài trợ, tư vấn thực hiện việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành bằng nguồn vốn hợp pháp.

 

Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Định sẽ xem xét báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chuyển 27,7 Km thuộc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn nằm trên địa phận tỉnh Bình Định bổ sung vào đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn thành 1 Dự án và áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam mà Chính phủ đang xem xét phê duyệt để tỉnh chủ động trong việc giải phóng mặt bằng, quản lý vốn ngân sách phù hợp với Luật PPP và Luật Ngân sách.

Ngoài ra, để khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư hoàn thành như hầm Cù Mông, hầm Đèo Cả… tạo lợi thế cho các địa phương khi tuyến cao tốc Bắc - Nam được triển khai và khai thác trong giai đoạn 2021-2025, với những kinh nghiệm của mình qua các mô hình dự án PPP đã thành công, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tư vấn cho địa phương xem xét vận dụng, đề xuất với Chính phủ để triển khai các dự án cao tốc theo đúng tinh thần chỉ đạo định hướng của Thủ tướng Chính phủ.

Phương thức “3 chữ P” đã được Tập đoàn Đèo Cả đúc rút từ thực tiễn trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án đã và đang triển khai tại các tỉnh Lạng Sơn, Tiền Giang, Quảng Ninh.

Phương thức “3 chữ P” đã được Tập đoàn Đèo Cả đúc rút từ thực tiễn trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án đã và đang triển khai tại các tỉnh Lạng Sơn, Tiền Giang, Quảng Ninh.

Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Trong đó đến năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đã được thể hiện rõ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 diễn ra mới đây do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

 

Việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Định với chiều dài khoảng 121km (trong đó: đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dài 88km và đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, dài 69km) trong giai đoạn 2021 - 2025 để kết nối với các đoạn tuyến cao tốc giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang đầu tư xây dựng, hình thành tuyến cao tốc nối tiếp với đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và hầm Cù Mông, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm