Doanh nghiệp - Doanh nhân

Xuất nhập khẩu tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp cảng lãi đậm

Báo cáo tài chính quý II/2021 của các doanh nghiệp kinh doanh cảng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhờ lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng và giá cước tăng mạnh.

Apple lại bị tố bóp hiệu suất iPhone để lôi kéo người dùng nâng cấp / Ngành bán dẫn sẽ thu hút nhiều nhân sự nhất trong 5 năm tới

contenner-1640-1626929607.jpg

Lượng hàng hoá thông qua các cảng biển tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho rằng, kinh tế các quốc gia phục hồi nhanh sau đại dịch như Trung Quốc, châu Âu và Mỹ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nguyên vật liệu tăng mạnh, tác động tích cực đến thị trường vận tải biển quốc tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tăng mạnh, sản lượng container tăng 24% so với cùng kỳ năm trước đã giúp tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp cảng biển.

Xuất nhập khẩu tăng mạnh.Theo báo cáo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 364,4 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 91,4 triệu tấn, tăng 9%; hàng nhập khẩu đạt 114,3 triệu tấn, tăng 3%; hàng nội địa đạt 157,7 triệu tấn, tăng 8% và hàng quá cảnh xếp dỡ đạt hơn 1 triệu tấn.

Đáng chú ý, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vài năm gần đây, đạt 12,7 triệu TEUs, tăng 25% cùng kỳ năm 2020.

Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá đây là mức tăng trưởng ổn định dù là những tháng có dịch Covid-19. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao như khu vực Thái Bình tăng trưởng cao nhất đến 65%, tiếp đến là khu vực Đồng Tháp, khu vực Quảng Ngãi, Kiên Giang. Khu vực TP.HCM vẫn là nơi có lượng hàng thông qua lớn nhất cả nước dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại đây, ghi nhận mức tăng gần 8,5%; hay như khu vực năng động tại cụm cảng Hải Phòng cũng có mức tăng 15,6%.

Tuy nhiên, một số khu vực cảng có sản lượng giảm như: cụm cảng Mỹ Tho, Cần Thơ, Quảng Ninh.

 

Cục Hàng hải Việt Nam dự báo tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm sẽ tăng lên hơn 425 triệu tấn, trong đó lượng hàng container tăng 21%, đạt 14,7 triệu TEUs.

Theo SSI Research, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng biển sẽ tăng 10% trong năm nay nhờ yếu tố phục hồi toàn cầu, động lực từ các hiệp định FTA mới có hiệu lực và kỳ vọng tăng trưởng dòng vốn FDI nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích củaCTCP Chứng khoán KB Việt Nam(KBSV) kỳ vọng ngành cảng biển có thể giữ được mức tăng trưởng kép 9%/năm trong 5 năm tới dựa trên tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì 10 - 12%/năm, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, ảnh hưởng từ các hiệp định FTA và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp lãi đậm. Sự tăng trưởng của hàng hóa xuất nhập khẩu đã mang về khoản lợi nhuận tích cực, vượt kế hoạch cho hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong 6 tháng đầu năm.

Chẳng hạn, tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), báo cáo tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 6.220 tỷ đồng, bằng 120% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận hợp nhất đạt 1.118 tỷ đồng. Trong đó, khối vận tải biển của VIMC sau một thời gian dài thua lỗ thì năm nay đã bắt đầu có lợi nhuận. Sản lượng vận tải biển đạt hơn 12 triệu tấn, bằng 117% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận luỹ kế là 95 tỷ đồng. Nhiều tàu đã ký được hợp đồng cho thuê với giá tốt, giá cước tăng tuyến Á - Âu gấp 5 lần năm trước, cũng khiến lợi nhuận tăng.

 

Báo cáo tài chính quý II/2021 của CTCP Cảng Cam Ranh ghi nhận doanh thu thuần tăng 118%, đạt 57 tỷ đồng, trong khi giá vốn tăng thấp hơn, chỉ 66% nên lãi gộp đạt 28 tỷ đồng, gấp 3,2 lần quý II/2020.

Kết quả lợi nhuận sau thuế của Cảng Cam Ranh đạt 13,8 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, công ty đạt lợi nhuận 23,7 tỷ đồng, tăng trưởng 120%. Như vậy, so với kế hoạch cả năm, Cảng Cam Ranh đã thực hiện 68% chỉ tiêu doanh thu và 94% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Lợi nhuận sau thuế quý II/2021 của CTCP Cảng Đồng Nai cũng tăng 45% so với cùng kỳ năm trước đạt 53 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động khai thác đã tăng 47,4% trong quý II/2021; sản lượng ngành hàng container tăng gần 77%.

Tại CTCP Cảng Quy Nhơn, lợi nhuận quý II/2021 ghi nhận trên 85 tỷ đồng, tăng trưởng 145% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận ròng đạt được 118 tỷ đồng, tăng trưởng gần 95%. Theo ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc CTCP Cảng Quy Nhơn, trong quý II/2021, công ty khai thác hàng siêu trường siêu trọng dẫn đến doanh thu khai thác tăng 80% trong quý II/2021 và tăng trên 48% trong nửa đầu năm 2021.

Còn CTCP Cảng Quảng Ninh ghi nhận lãi ròng trên 19 tỷ đồng trong quý II/2021, tăng trưởng 51%. Lũy kế 6 tháng, công ty lãi ròng gần 47 tỷ đồng, tăng trưởng 114% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Tương tự, CTCP Cảng Đà Nẵng lãi ròng 77 tỷ đồng trong quý II/2021 và 152 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng lần lượt 10%, và 9% so với cùng kỳ năm 2020. CTCP Cảng Hải Phòng cũng công bố doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 dự kiến đạt 1.190 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo dự báo của các doanh nghiệp, thị trường vận tải biển thế giới cuối năm vẫn diễn biến tích cực. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch trong nước không sớm được kiểm soát thì chuỗi cung ứng nguy cơ bị đứt gãy vào cuối năm, dẫn tới thiếu hụt nguồn hàng, container tại cảng biển.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm