Đời sống

Mẹo nhỏ để người dân chủ động phòng tránh nắng nóng

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành xây dựng phương án chủ động phòng chống tác hại của nắng, nóng đối với sức khỏe của người dân.

Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thế nào trong điều kiện nắng nóng kéo dài? / Cách bảo quản trứng gà, vịt trong mùa nắng nóng

Đặc biệt, các địa phương chú trọng bảo đảm đủ nước sạch, dự trữ thuốc và trang thiết bị cho sinh hoạt của cơ sở y tế và người dân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, chống say nắng, say nóng.

Khi tiếp xúc trong một thời gian dài với nhiệt độ cao sẽ dẫn đến kiệt sức vì nóng thường đi kèm với tình trạng mất nước. Nếu không điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến đến đột quỵ nhiệt, có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

Mẹo nhỏ để người dân chủ động phòng tránh nắng nóng - Ảnh 1.
Mặc đồ tránh nắng nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà. Ảnh minh họa.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

 

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo:

Những ngày trời nóng, nên uống nhiều nước hơn bình thường. Nắng nóng làm con người đổ mồ hôi nhiều hơn, nên uống nước trước khi cảm thấy khát để tránh mất nước.

Nếu phải làm việc ngoài trời hoặc tập thể dục nên uống từ 2-4 ly nước mỗi giờ, không nên bổ sung nước bằng nước ngọt hay đồ uống có cồn.

Mẹo nhỏ để người dân chủ động phòng tránh nắng nóng - Ảnh 2.
Bổ sung nước thường xuyên trong ngày nắng nóng.

Người trên 65 tuổi và trẻ sơ sinh, không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Nếu người già có những triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn cần gọi sự giúp đỡ ngay.

 

Với trẻ nhỏ thường mải chơi, nguy cơ mắc các bệnh do nhiệt cao hơn ở người lớn do trẻ thường không tự uống bổ sung nước, dấu hiệu cảnh báo một đứa trẻ mắc bệnh do nhiệt tương đối muộn hơn người lớn.

Không nên để trẻ trong xe ô tô một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn.

Xử trí nghi ngờ bị các bệnh do nắng nóng, cần đưa người bệnh vào chỗ mát, nằm xuống, uống nước, làm mát da bằng cách áp những miếng vải ướt lên vùng da.

Những điều tuyệt đối không được làm khi bị say nắng, kiệt sức do nắng hay đột quỵ do nhiệt:

Từ chối hoặc không gọi hỗ trợ y tế: Đây là một quyết định sai lầm và gây hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị đột quỵ do nhiệt hoặc có đấu hiệu sốc, co giật, mất ý thức.

 


Mẹo nhỏ để người dân chủ động phòng tránh nắng nóng - Ảnh 3.
Đột quỵ dễ xảy ra với người cao tuổi khi thời tiết nắng nóng.

Uống một số loại thuốc: Nhiều người khi cảm thấy không khỏe, cụ thể trong trường hợp say nắng, họ thường sử dụng thuốc aspirin hoặc acetaminophen. Hành động này sẽ làm bệnh nặng thêm bởi đây là 2 loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máy, gây ra vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe bởi khi đó da của người bệnh có thể đang cháy nắng dẫn tới phồng rộp.

Không cho bất cứ thứ gì qua đường miệng của người bệnh trong trường hợp họ đang bất tỉnh hoặc nôn mửa, vì có nguy cơ gây ngạt.

Nhiều người thường cho rằng chà xát lên cơ thể bằng rượu, làm hạ nhiệt nhanh. Điều này rất nguy hiểm với người bệnh bởi rượu làm cơ thể hạ nhiệt quá nhanh dẫn đến biến động nhiệt mạnh trong cơ thể. Tốt nhất hạ nhiệt cơ thể người bệnh bằng nước lạnh thường.

Bổ sung nước và chất điện giải là đúng nhưng không nên uống quá nhanh, quá nhiều, có thể gây sốc, vì thế, nên tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ.

Điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt này là mỗi người cần tăng cường hiểu biết để phòng bệnh, có cách xử trí phù hợp để bảo vệ sức khỏe bản thân hay trong trường hợp có người cần trợ giúp.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm