Đời sống

Thịt bò chỉnh sửa gene có dễ ăn?

Việc chỉnh sửa gene cho động, thực vật đã đi vào đời sống ở một vài góc độ nhưng các cuộc tranh cãi vẫn cứ tiếp diễn.

Cách làm lạp xưởng nhâm nhi ngày Tết / Cách bảo quản thực phẩm Tết được dài ngày

"Bây giờ, ngay giây phút này, thật quá hào hứng" - nhà nghiên cứu gene động vật Alison Van Eenennaam thốt lên khi siêu âm ba chú bò cái được cấy phôi chỉnh sửa gene hơn một tháng. Đây là một trong những dự án thu hút nhất hiện nay giữa những tranh cãi về chỉnh sửa gene.

Trước đó, các nhà khoa học trên thế giới đã chỉnh sửa gene nhiều loài để tạo ra từ heo kháng virút, gia súc chịu được nóng cho đến cừu "cơ bắp". Khoảng 300 con heo, bò, cừu và dê chỉnh sửa gene đã chào đời trong thời gian qua.

Không còn rào cản công nghệ

Nghiên cứu của Van Eenennaam và các cộng sự đang triển khai tại Beef Barn, thuộc cơ sở nông nghiệp của Đại học California. Những chú bê chỉnh sửa gene dự kiến chào đời vào hè năm sau được dự báo sẽ phát triển cơ bắp như bò đực. Cơ sở Beef Barn cũng đã tạo ra một số chú bò không sừng.

Theo báo Washington Post, các nhà khoa học Mỹ đang thúc đẩy những kỹ thuật tương tự như nghiên cứu chấn động của nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê - người vừa tuyên bố đã tạo ra hai đứa trẻ chỉnh sửa gene hồi tháng trước. Có điều, họ chỉ làm với động vật theo chiều hướng tìm cách phát triển những ưu thế của động vật.

Nhà nghiên cứu Alison Van Eenennaam bên những chú bò không sừng được các nhà khoa học Đại học California (Mỹ) tạo ra
Nhà nghiên cứu Alison Van Eenennaam bên những chú bò không sừng được các nhà khoa học Đại học California (Mỹ) tạo ra - (Ảnh: FoxNews).

Nhưng các nghiên cứu về chỉnh sửa gene sẽ không dừng lại ở đó mà được dự báo còn táo bạo hơn. "Bây giờ đã không còn các thách thức về công nghệ để tạo ra động vật chỉnh sửa gene. Điều chúng ta cần làm là bắt đầu sản xuất những con vật" - nhà sinh học Charles Long thuộc Đại học Texas A&M khẳng định.

Trước đó, trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học chỉ tiến hành những biến đổi gene nhỏ như giúp gia súc chống bệnh tật.

Đối với những nông trại muốn tối đa hóa năng suất, đây có thể là giải pháp hoàn hảo: những con bò toàn con đực sẽ cho nhiều thịt hơn, không có sừng giúp giảm chi phí và rủi ro khi phải cắt sừng cho gia súc...

Nhưng câu hỏi lớn chưa có lời đáp là: Liệu các quy định, lo ngại của công chúng và các vấn đề an toàn sẽ khiến những động vật chỉnh sửa gene mãi chỉ là sản phẩm thú vị của phòng thí nghiệm hay sẽ làm thay đổi cả ngành nông nghiệp và thực phẩm?

Nhóm các nhà khoa học Mỹ như Van Eenennaam vẫn chưa thể trả lời được về tương lai của những con vật được chỉnh sửa gene và liệu chúng có "ăn được" hay không.

 

Con người có sẵn sàng ăn?

Nhưng trái với sự hào hứng trong thế giới khoa học, các nhà hoạt động và công chúng vẫn còn tranh cãi về chỉnh sửa gene động vật.

"Việc chỉnh sửa gene đang thật sự cất cánh và bây giờ là lúc để chúng ta có cuộc thảo luận công khai về việc chúng ta muốn và không muốn sử dụng nó như thế nào" - báo Washington Post dẫn lời chuyên gia Jennifer Kuzma của Đại học bang Bắc Carolina.

"Tất cả thăm dò đều cho thấy người dân thoải mái với cây trồng hơn là động vật công nghệ sinh học. Hệ quy chuẩn không thể chỉ dựa 100% vào khoa học và các rủi ro khoa học".

Tại Mỹ, những người trong ngành đánh giá các động thái của chính phủ trong năm sau sẽ mang tính quyết định đối với việc đưa thực phẩm từ động vật chỉnh sửa gene ra thị trường. Đến nay, các quy định của Washington vẫn xếp gene chỉnh sửa vào mục thuốc thú y khiến việc tạo ra động vật chỉnh sửa gene gặp nhiều hạn chế.

Thực phẩm duy nhất từ động vật chỉnh sửa gene được phép bán tại Mỹ là một loại cá hồi có khả năng tăng trưởng nhanh, nhưng đến nay chưa được bày bán vì còn một số vướng mắc.

 

Cụ thể, chi tiết của kế hoạch hành động sáng tạo cây trồng và động vật công nghệ sinh học của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ dự kiến công bố vào năm sau sẽ làm rõ cách tiếp cận, giảm các rào cản đối với việc nghiên cứu nhưng cũng sẽ bảo vệ sức khỏe người dân.

"Một số người gọi tôi và nói: tôi muốn chỉnh sửa gene và đưa vào chuỗi thức ăn. Vậy phải làm sao? Tôi nói với họ rằng tôi không biết sẽ mất bao lâu và phải trả giá gì, bởi chúng ta không có bất cứ ví dụ nào" - nhà nghiên cứu Randall Prather của Đại học Missouri giải thích về hoàn cảnh hiện tại.

Theo Tuổi Trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm