Hỗ trợ doanh nghiệp

Lao động nghèo sợ chết đói hơn sợ Covid -19

DNVN - Covid-19 bùng phát mạnh trở lại làm cho số người thất nghiệp ngày càng tăng. Nhiều người gia đình tan nát chỉ vì không đủ kinh tế trang trải cuộc sống. Những người lao động nghèo hiện tại họ sợ chết đói hơn là sợ Covid-19.

Hơn 77.000 lao động muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp / Hậu Covid-19: Quá tải thất nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế, kéo theo đó là hàng ngàn người lao động bị mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.Với những người lao động nghèo, họ chỉ trông chờ vào những đồng lương ít ỏi kiếm được hàng tháng để mưu sinh lo cho gia đình, con cái. Dịch bệnh làm cho họ mất việc làm, mất đi nguồn thu nhập, nhiều người lâm vào cảnh đường cùng vô cùng khó khăn. Thậm chí có những người gia đình tan nát chỉ vì không đủ kinh tế để trang trải cuộc sống.

Những người lao động phổ thông họ sợ đói hơn là sợ dịch bệnh Covid-19 (Ảnh internet).

Những người lao động phổ thông họ sợ đói hơn là sợ dịch bệnh Covid-19 (Ảnh Internet).

Anh Mạnh Thắng, hiện đang chạy Grab ở Hà Nội tâm sự: "Với người lao động như chúng em thì sợ chết đói hơn là sợ Covid-19. Em đang phải nuôi 2 con nhỏ. Dịch bệnh Covid đợt 1, phải giãn cách xã hội, em ở nhà hơn 2 tháng trời không có việc để làm, con cái nheo nhóc, khổ lắm chị ạ. Nên lần này chúng em sợ lắm. Cứ như này em chạy xe mỗi ngày túc tắc còn có đồng ra đồng vào lo cho con ăn uống học hành, chứ ở nhà hẳn thì rất khổ, không biết xoay tiền ở đâu ra để lo cho con”.

Anh Mạnh Thắng còn kể, hiện anh và vợ đã ly dị với nhau cách đây không lâu. Nguyên nhân chính cũng là vì kinh tế gia đình không ổn định. Trước đây anh có làm ăn nhưng bị thua lỗ mất trắng. Sau đó vợ chồng lục đục. Thêm dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm cho việc làm ăn ngày càng trở nên khó khăn hơn. Từ một người buôn bán lớn anh phải chạy Grab để kiếm sống cho qua ngày để có tiền lo cho các con.

“Số em cũng khổ lắm chị ạ. Vợ chồng em giờ không sống chung với nhau nữa. Từ khi em làm ăn thua lỗ, gia đình lục đục, mâu thuẫn. Vợ chồng em đã ly hôn được mấy tháng rồi. Thời buổi khó khăn em đang phải cố gắng để trả nợ và nuôi 2 đứa con nữa. Chỉ mong hết dịch bệnh để người lao động như chúng em làm ăn dễ dàng hơn”, anh chia sẻ.

Những người lao động bị mất việc đang phải xoay sở mưu sinh và tìm kiếm những cơ hội việc làm mới (Ảnh internet).

Những người lao động bị mất việc đang phải xoay sở mưu sinh và tìm kiếm những cơ hội việc làm mới (Ảnh Internet).

Cùng chung cảnh ngộ với anh Thắng, chị Thủy hiện đang làm bán hàng cho một quán ăn trên đường Nguyễn Trãi cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chị là mẹ đơn thân, đang phải nuôi 2 đứa con nhỏ gửi ở quê cho ông bà trông, một mình chị lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền lo cho con. Đợt giãn cách xã hội trước đây chị phải nghỉ ở nhà một thời gian dài vì cửa hàng cũng phải đóng cửa. Tiếp đợt dịch này, tình hình phức tạp căng thẳng khó khăn hơn, chủ cửa hàng cũng đang có ý định cắt giảm bớt nhân viên nên chị rất lo lắng.

“Từ đầu năm đến giờ mình làm chẳng được bao nhiêu, hết giãn cách xã hội đợt trước phải nghỉ dài không có thu nhập rồi, giờ thêm đợt dịch này nữa, chủ cửa hàng mà không thuê nữa thì mình cũng chưa biết tính sao. Giờ đi xin việc đâu cũng khó. 2 đứa con mình lại sắp nhập học, lại đóng bao nhiêu thứ tiền phải lo….”, chị xót xa chia sẻ.

Người lao động, đặc biệt là những người lao động phổ thông đang là đối tượng phải chịu nhiều những khó khăn và tổn thương nhất. Giảm lương, mất việc làm làm cho công cuộc mưu sinh của họ trở nên vất vả và khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục kéo dài, khó khăn chồng chất khó khăn hõ sẽ rơi vào bế tắc thực sự.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng quý 2/2020 có thêm 2,4 triệu lao động mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý 2 năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỉ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm