"Mong có nhiều doanh nghiệp biết đến và tham gia CBI"
DNVN - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng đã phát biểu như vậy tại Lễ Công bố Chỉ số Khí hậu Doanh nghiệp (CBI) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu Tư tổ chức chiều 26/6 tại Hà Nội.
Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì sự phát triển bền vững / Doanh nghiệp phát triển bền vững, người dân có cuộc sống tốt hơn
Sáng kiến này được phát triển trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ toàn cầu của UNDP về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Đức và Tây Ban Nha, và Liên minh Châu Âu.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định: Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, là nhân tố trung tâm của hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và có tác động lớn đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Phát triển bền vững, thân thiện môi trường hiện đang là xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cũng có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại sự kiện.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, xu hướng tiêu dùng cũng đang thay đổi theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm và yêu cầu cao hơn về vấn đề bảo vệ môi trường, tạo nên xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng mạnh mẽ. Những cam kết và xu hướng đó sẽ góp phần quan trọng đảm bảo chúng ta có cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn, cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, không chỉ cho người dân của một quốc gia nào, mà vì lợi ích chung của cả nhân loại.
Nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg việc phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
"Thông qua sự kiện hôm nay, chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp biết đến và tham gia Chỉ số CBI để nâng cao nhận thức và có những hành động thiết thực hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng là công cụ tốt để các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi nhìn nhận, đánh giá thực trạng phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó có các khuyến nghị xây dựng chính sách, góp phần giúp Việt Nam ngày càng phát triển được những mô hình kinh doanh xanh, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và xã hội, hướng tới tăng tưởng nhanh và bền vững", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.
Bà Caitlin Weisen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu, Việt Nam đã có nhiều ví dụ thành công trong các thập kỷ qua, bao gồm công cuộc cải cách kỳ diệu vào cuối những năm 80, xóa đói giảm nghèo; và đạt được tiến bộ tốt trong việc xây dựng và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), các chỉ tiêu về Tăng trưởng xanh và Biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để có thể nhảy vọt sang giai đoạn tiếp theo của phát triển kinh tế và giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả, chúng ta cần sự tham gia đầy đủ, cần vốn đầu tư và sự đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hơn 700.000 (714.755) doanh nghiệp ở Việt Nam đóng góp gần 40% GDP và tạo ra gần 70 phần trăm số lượng công ăn việc làm bền vững. Nhiều doanh nghiệp đang làm xanh hóa các hoạt động đầu tư của họ, tạo ra công ăn việc làm bền vững, nhằm mục tiêu tham gia và hưởng lợi từ các chuỗi giá trị xanh toàn cầu, giúp giảm phát thải khí nhà kính.
"Sau đại dịch COVID-19, có các cơ hội mới xuất hiện cho Việt Nam thu hút đầu tư để phát triển nền kinh tế quốc gia, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta nên nắm bắt lấy cơ hội này để theo đuổi các phương án đạt được cùng một lúc ba mục đích: khôi phục xanh nền kinh tế với động cơ là gói kích cầu của chính phủ; chuyển đổi sang các sản phẩm xanh nhằm đáp ứng nhu cầu và các yêu cầu ngày càng tăng của các quy trình sản xuất xanh và sản phẩm xanh; đồng thời đóng góp cho việc bảo vệ hành tinh và giảm nhẹ các hiện tượng thời tiết cực đoan và đại dịch ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu", bà Caitlin Weisen chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, việc công bố Chỉ số Khí hậu Doanh nghiệp (CBI) ngày hôm nay, theo bà Caitlin Weisen là vô cùng quan trọng và kịp thời.
Nói rõ hơn về CBI, bà Sojin Jung - Chuyên gia khu vực tư nhân về Biến đổi khí hậu, UNDP Việt Nam cho biết, mục tiêu chung của CBI là xây dựng một nền tảng cho Chính phủ và các doanh nghiệp phối hợp cùng nhau. Bộ chỉ số này bao gồm tuyên bố tự nguyện của doanh nghiệp về mức độ đóng góp cho biến đổi khí hậu, xác định các nhu cầu đầu tư và các cơ hội huy động vốn tiềm năng. CBI cũng có thể được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu về nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp xanh bền vững.
Mọi doanh nghiệp thuộc mọi loại hình hoạt động đều có thể đăng ký tham gia CBI thông qua cổng thông tin http://cbi.undp.org.vn/. Khi DN đăng ký có thể lựa chọn các cấp độ khác nhau với 2 danh mục là quy trình xanh và sản phẩm xanh. Đặc biệt, các DN tham gia chương trình sẽ không mất khoản phí nào.
Các chuyên gia của CBI sẽ đánh giá các thông tin mà doanh nghiệp đã đăng ký, từ đó phân loại thành 3 cấp độ: DN có nhận thức về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường (Climate-Aware Company); DN đã có nhứng thay đổi, thích ứng trong hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường (Climate-Actions Taker); và DN có nhiều đóng góp tới chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường (Climate Leader).
Tính đến tháng 6/2020, đã có 115 DN đăng ký tham gia Chương trình CBI. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia bao gồm một số công ty toàn cầu, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thông qua dữ liệu của CBI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNDP Việt Nam sẽ triển khai một số hoạt động hỗ trợ các DN đạt được các cấp độ yêu cầu của CBI. Các hỗ trợ như tập huấn, tư vấn, kết nối nhà đầu tư, tìm kiếm các nguồn tài chính, và một số hỗ trợ khác theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo