Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần xóa ngay giấy phép con hành doanh nghiệp

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo rất rõ ràng, cụ thể, yêu cầu các địa phương trong khi phòng chống dịch không được “đẻ thêm giấy phép con”, cản trở lưu thông hàng hóa, nhưng dường như đâu đó, tình trạng này vẫn cứ xuất hiện...

TP Hồ Chí Minh đề xuất miễn học phí kỳ I cho các cấp học năm học 2021-2022 / Đà Nẵng: Hai quận trung tâm “dẫn đầu” về số ca mắc COVID-19 có nguy cơ lây lan trong cộng đồng

Khiến doanh nghiệp đang phải oằn mình vì đại dịch, lại phải ngao ngán thở dài và ghánh thêm những phí tổn không cần thiết. Những giấy phép con đó đang hành doanh nghiệp.

Xe chở hàng ùn ứ tại khu vực vào TP Cần Thơ vì vướng quy định phải đăng ký trước mới được giao nhận hàng hóa. Ảnh Tuoitre.vn

Trưa 24/8, báo chí đưa tin hàng chục xe chở hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất… hướng từ TP Hồ Chí Minh về TP Cần Thơ bị ùn ứ tại chốt kiểm soát do quy định “xe phải đăng ký trước" với Sở Công Thương TP Cần Thơ. Sau một thời gian ùn ứ trên Quốc lộ 1, xe chở hàng được cho phép vào điểm tập kết tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ để chờ giải quyết.

Có doanh nghiệp cho biết, đã đăng ký theo yêu cầu với Sở Công Thương TP Cần Thơ từ thứ 7 tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thậm chí có những xe đã đăng ký luồng xanh, có mã QR, chạy đúng tuyến là đi Quốc lộ Nam Sông Hậu, (quá cảnh - không vào TP Cần Thơ) đến Hậu Giang cũng bị kẹt lại nửa ngày và được yêu cầu phải đăng ký với Sở Công Thương TP Cần Thơ hoặc phải đi vòng xuống TP Ngã Bảy, rất mất thời gian và chi phí…

Nguyên nhân ùn ứ được báo chí phản ánh là do TP Cần Thơ có quy định từ ngày 23/8, tất cả các xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa, đều phải đăng ký trước, đồng thời tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do TP quy định, trường hợp hàng hóa không xuống hàng sang xe thì phải đổi tài xế”.

 

Lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng cho biết, do số lượng đăng ký nhiều cho nên giải quyết không kịp đề nghị của doanh nghiệp. Đồng thời bày tỏ, quy định không cho tài xế từ nơi khác vào để đảm bảo cho TP “sạch”, hạn chế lây lan dịch bệnh nên doanh nghiệp cần chia sẻ.

Biết rằng, trong giai đoạn này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, việc siết chặt kiểm soát đi lại không có nghĩa là “đẻ thêm những giấy phép con” trái quy định của Trung ương, cản trở lưu thông hàng hóa.

Mới đây nhất, ngày 23/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTgvề việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Tại Điểm 9, mục II. Tổ chức thực hiện, Công điện nêu rõ: “Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...

Chiều 24/8, Bộ Công Thương đã gửi văn bản hỏa tốc 5139/BTC-TTTN đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

 

Trong văn bản này, Bộ Công Thương nêu rõ: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thiết yếu của người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại Công văn số 5366/VPCP-CN ngày 05/8/2021 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các bộ, ngành xây dựng hướng dẫn và tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dich COVID-19.Theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, ngày 18/8/2021, Bộ Công Thương đã có văn bản góp ý đối với Dự thảo quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 gửi Bộ Giao thông vận tải.

Văn bản của Bộ Công Thương cho biết thêm, cơ quan này tiếp tục nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Công Thương đã gửi công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.Hướng dẫn khi ban hành cần quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện, nhất là điều kiện để đi qua các chốt kiểm soát đối với hai trường hợp đã được cấp mã QR code và chưa được cấp mã QR code.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũngđề nghị Bộ Giao thông vận tải hợp nhất các văn bản hướng dẫn trước đây để các địa phương và các doanh nghiệp dễ thực hiện.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, doanh nghiệp, người dân đang ghánh chịu nhiều khó khăn, cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định theo đúng nhiệm vụ được giao để hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời, các địa phương, không vì lợi ích riêng của mình, thuận việc cho mình, ban hành các quy định, đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các bộ ngành, địa phương càng phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kỷ luật hành chính, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết.

Xin đừng chậm trễ hay “kháng chỉ” phát sinh thêm “giấy phép con” để làm khổ, người dân và hành doanh nghiệp thêm nữa.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm