Hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ 20% doanh nghiệp dệt may, da giày đạt tiêu chuẩn bền vững quốc tế

DNVN - Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), chỉ 20% doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Việc chuyển đổi từ phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Tấm lòng vàng của doanh nghiệp Đà Lạt trong mùa Festival hoa / Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay

Sức ép gay gắt từ thị trường cung ứng

Tại hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam” ngày 5/12 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, dệt may và da giày là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, hai ngành này cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm việc sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả, và tác động tiêu cực đến môi trường.

Trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ thị trường cung ứng, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam phải đồng thời đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc, và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU. Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), chỉ 20% doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm phần lớn trong cơ cấu ngành, đặc biệt gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ xanh và nguồn tài chính để chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững.


Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững (PTBV), kinh doanh tuần hoàn.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may và da giày, không chỉ về thị trường xuất khẩu mà còn tạo điều kiện thúc đẩy cải cách thể chế và xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Dù vậy, ngành vẫn đối mặt với không ít thách thức. Phương thức gia công xuất khẩu vẫn là chủ đạo, trong khi trình độ công nghệ, ngoài một số lĩnh vực như công đoạn may, còn dừng ở mức trung bình khá. Trình độ lao động trong ngành dệt may còn thấp và thiếu nguồn lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ. Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, xu hướng tiêu dùng thay đổi như thời trang bền vững, cùng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng về lao động và môi trường đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp trong ngành. Điều này đòi hỏi ngành phải nhanh chóng thích nghi, tăng cường đầu tư vào công nghệ và nhân lực, hướng tới các giải pháp xanh và bền vững hơn.

Về lộ trình phát triển bền vững của ngành dệt may, theo ông Cẩm, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững (PTBV), kinh doanh tuần hoàn.

Và từ năm 2031 - 2035, ngành dệt may sẽ phải phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Ưu tiên phát triển bền vững cho dệt may, da giày

Theo bà Lâm Giang, trong bối cảnh áp lực thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, và gây tác động đến môi trường tự nhiên ngày càng gia tăng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã quan tâm, chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự PTBV mỗi ngành nói riêng và toàn ngành công nghiệp và thương mại nói chung.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng rất quan tâm hợp tác với các cơ quan chính phủ trong việc hỗ trợ các ngành PTBV. Đặc biệt, ngày 26/9 vừa qua, IDH đã ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam với Bộ Công Thương, các hiệp hội và các bên liên quan. Theo đó, tập trung vào việc xây dựng, triển khai các sáng kiến và hoạt động ưu tiên về PTBV ngành dệt may và da giày hướng tới mục tiêu phát triển ngành dệt may và da giày bền vững hơn, đóng góp hơn trong việc đạt được các cam kết của Việt Nam về chuyển dịch năng lượng và biến đối khí hậu.


Áp dụng công nghệ xanh sẽ giúp ngành dệt may, da giày đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), nhấn mạnh: “Việc ký kết không chỉ là cam kết mà còn là chiến lược hướng tới một tương lai xanh hơn, hiện đại hơn. Hợp tác chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chuỗi giá trị và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), cho rằng việc ký kết bản ghi nhớ là một bước đi cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác công tư và có ý nghĩa đối với việc PTBV của ngành bông sợi, sệt may và da giày trong giai đoạn 2025-2030.

Hoạt động thúc đẩy các mô hình sản xuất tuần hoàn và áp dụng công nghệ xanh sẽ giúp ngành dệt may và da giày đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đại diện các hiệp hội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực cho các doanh nghiệp về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, thúc đẩy hợp tác công-tư để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Qua đó đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm