Chuyển dịch cơ cấu đất trồng lúa làm “nóng” hội trường Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022
Khai trương điểm bán hàng cố định với sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu long / Đồng bằng Sông Cửu Long: Nguy cơ thiếu hụt lao động tại nhiều doanh nghiệp
Trong báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL lần thứ 2 năm 2022, nhóm tác giả nhận định ĐBSCL đang đứng trước thử thách của “3 vòng xoáy đi xuống” gồm các vấn đề như ngân sách, lao động và cơ cấu kinh tế.
Báo cáo cũng chỉ ra 3 tiêu điểm được phân tích chuyên sâu với nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL phải đối diện với 11 thách thức lớn nằm ở ba phương diện: Kinh tế, xã hội và môi trường.
ĐBSCL đang đứng trước thử thách của “3 vòng xoáy đi xuống” gồm các vấn đề như ngân sách, lao động và cơ cấu kinh tế.
Về kinh tế, việc thực hiện sứ mệnh an ninh lương thực, sản xuất nông nghiệp chú trọng về số lượng hơn chất lượng dẫn đến giá trị nông nghiệp không cao, tăng trưởng kinh tế thấp.
Về xã hội, việc thiếu cơ hội việc làm tốt do nền kinh tế tăng trưởng thấp khiến rất nhiều lao động trẻ ở ĐBSCL đã và đang tiếp tục di cư, chủ yếu tới TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.
Về môi trường, biến đổi khí hậu và biến động nước thường xuyên cũng như những vấn đề nội tại như tận khai thác tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng các nông dược, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, khai thác cát và nước ngầm quá mức... đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái, đời sống và sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL.
Hơn thế nữa, các thách thức này lại tương tác ảnh hưởng lẫn nhau gây ra vòng xoáy đi xuống khiến nền kinh tế nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng khó có thể tiếp tục phát triển bền vững nếu không có giải pháp chuyển đổi một cách toàn diện.
Một thông điệp chủ chốt trong Báo cáo năm nay nêu ra là, chỉ bằng cách phá vỡ các vòng xoáy đi xuống về kinh tế, xã hội và môi trường thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi nông nghiệp sang hướng bền vững, tăng giá trị nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ nhận định trên nhóm tác giả đã đề xuất bốn trụ cột chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL đó là: Thay đổi tầm nhìn; thay đổi thể chế; thay đổi khoa học - công nghệ; thay đổi cơ cấu.
Trong thay đổi cơ cấu nhóm tác giả cho rằng, nên chăng cắt giảm diện tích trồng lúa để từ đó sử dụng tốt nguồn đất, nguồn nhân lực. Có dư địa để chuyển sang lĩnh vực khác có năng suất cao hơn, mặt khác khi giảm sản lượng để tăng giá.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng việc chuyển đổi cơ cấu không phải một sớm một chiều nên cắt giảm diện tích đất trồng lúa cần xem xét kỹ.
Cũng từ việc cắt giảm diện tích đất trồng lúa mà có nhiều ý kiến, trong đó ý kiến của ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, ngành trồng lúa mang tầm ảnh hưởng rất lớn, ở ĐBSCL có 2 triệu ha đất trồng lúa và có gần 10 triệu người làm lúa, không những thế các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên đến bán đảo Cà Mau có thổ nhưỡng trồng lúa, việc chuyển đổi cơ cấu không phải một sớm một chiều nên cắt giảm diện tích đất trồng lúa cần xem xét kỹ.
“Thay vào đó, trước đây chúng ta sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì bây giờ chúng ta sản xuất theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tạo cánh đồng mẫu lớn”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cũng cho rằng: “Tôi rất e ngại khi hội nghị đặt vấn đề cắt giảm diện tích đất trồng lúa. Thay vào đó chúng ta tổ chức lại cấu trúc, xây dựng lại mô hình hệ sinh thái, dư địa, đưa phụ phẩm thành chính phẩm từ đó tăng thu nhập cho người nông dân lao động”.
Tại Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Chính phủ và Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ ra, trong vấn đề thay đổi cơ cấu như: Lập, ban hành quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng phải phù hợp với quy hoạch vùng, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua phát triển các chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị.
Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối; phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp dựa vào nguồn nước gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ; tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với xây dựng nông thôn mới và tăng cường liên kết đô thị - nông thôn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo