Cơ hội lớn bán tín chỉ carbon từ mô hình trồng lúa phát thải thấp
Bình Phước: Đóng điện thành công Trạm biến áp 110kV Hoa Lư / Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Bán tín chỉ carbon dễ hay khó?
Mỗi quốc gia, ngành hàng, nhà sản xuất muốn bước vào thị trường tương lai phải hiểu rõ ranh giới hạn mức phát thải CO2. Khi vượt ngưỡng tới hạn, họ phải trả tiền mua các tín chỉ carbon từ các quốc gia hay tổ chức có khả năng giảm phát thải để bù đắp hoặc bù trừ một phần lượng phát thải của chính họ.
Hiện Việt Nam còn đang ở giai đoạn tiền vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Vì vậy, việc nói về thị trường cung cấp các hợp đồng dựa trên tín chỉ carbon được giao dịch ở các sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc và tự nguyện vẫn còn quá sớm.
Tuy vậy, đã có 5 công ty blockchain hàng đầu ứng dụng vào ESG (Environmental, Social, and Governance: khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp) và tín chỉ carbon năm 2023 tham gia vào thị trường Việt Nam, bao gồm KlimaDAO, Toucan Protocol, Moss, Nori, DevvStream. Các nhà cung cấp dịch vụ thuộc sở giao dịch hàng hóa trên thế giới như Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) và Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) cũng đang chào mời các hợp đồng phái sinh.
Hội thảo về sản xuất nông sản sạch, phát thải thấp tại Fectival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh 2024 tại Vĩnh Long.
Đối với các doanh nghiệp, Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn hóa các tiêu chuẩn tạo tín chỉ, xây dựng thị trường carbon đáp ứng yêu cầu quốc tế, và phát triển hệ sinh thái thuận lợi cho việc chuyển đổi. Đây là thời điểm cần nắm bắt thông tin về quy định, thỏa thuận pháp lý, đào tạo nhân sự, và thăm dò các đối tác tiềm năng. Khi nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng bộ hóa quản lý tài chính, nguồn thu từ tín chỉ carbon, tài khóa hỗ trợ các dự án, tăng cường đổi mới công nghệ và liên thông thị trường trong nước với quốc tế, bộ máy sẽ có thể hoạt động trơn tru.
Phó Giám đốc Trung tâm BSA Trần Hoàng Tuyên, cho biết, tín chỉ carbon là chứng nhận mang tính thương mại, thể hiện quyền sở hữu về lượng khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác được chuyển đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ carbon có giá trị tương đương một tấn khí CO2 và ngược lại.
Theo đó, bên bán tín chỉ carbon phải đáp ứng các yêu cầu như: bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải khí nhà kính, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giảm biến đổi khí hậu; thúc đẩy hành vi bền vững, tích hợp tín chỉ carbon vào chiến lược kinh doanh; đồng thời tạo ra giá trị thương hiệu thông qua các sản phẩm và dịch vụ có tác động tích cực đến môi trường.
Để đạt được tín chỉ carbon, một tổ chức hoặc sản phẩm cần thực hiện các bước như: kiểm kê khí nhà kính để đo lường chính xác lượng phát thải trong hoạt động sản xuất; xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh của quá trình sản xuất và vận chuyển để đánh giá lượng khí nhà kính phát sinh; thiết lập và triển khai các biện pháp giảm phát thải nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Mục tiêu bán 10 triệu tín chỉ carbon từ ngành lúa gạo
“Trong khi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang tổ chức thí điểm 250ha trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, thì ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đã có khách hàng từ Công ty Netzero Carbon Thái Lan mua tín chỉ carbon,” ông Tuyên chia sẻ.
Nông dân Hậu Giang sử dụng thiết bị bay không người lái trong mô hình trồng lúa phát thải thấp.
Sau 4 tháng triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải theo quy trình lúa ướt khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) trên diện tích 42ha, năng suất dự kiến đạt 11 tấn/ha, chi phí giảm khoảng 15% so với canh tác cũ. Đặc biệt, mỗi ha tạo ra 3 tín chỉ carbon, được định giá 20 USD/tín chỉ.
Hiện Việt Nam có 5 ngành chính có khả năng giảm phát thải và tạo tín chỉ carbon, gồm: năng lượng, nông nghiệp, hấp thụ khí nhà kính từ lâm nghiệp và sử dụng đất (LULUCF), chất thải và các quá trình công nghiệp. Theo báo cáo NDC 2022 gửi Liên hợp quốc, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 403,5 triệu tấn CO2 vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ quốc tế, tương đương 400 triệu tín chỉ carbon. Với mức giá trung bình 5 USD/tín chỉ, khoản thu có thể đạt 2 tỷ USD, bổ sung nguồn lực đáng kể cho các nỗ lực giảm phát thải.
Như vậy, vùng ĐBSCL có tiềm năng tạo ra khoảng 10 triệu tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo, mang về khoảng 100 triệu USD/năm với mức giá 10 USD/tín chỉ do Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết mua.
Ngành sản xuất lúa gạo với định hướng phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tái tạo, và kinh tế trải nghiệm, sẽ mở ra nhiều cơ hội cải thiện doanh thu và thu nhập. Đồng thời, sự tích hợp đa giá trị này cũng thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, trong tương lai gần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo