Công ty Đồng Tiến kiến nghị áp dụng mức hỗ trợ “nghỉ việc không hưởng lương” để công nhân may khỏi bị thiệt thòi
Mới chỉ có 17% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ / Huawei Việt Nam có Tổng Giám đốc mới
Công ty CP Đồng Tiến, Đồng Nai không đồng tình với việc áp dụng chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Ngày 16/9/2021, Công ty CP Đồng Tiến (Dovitec) gửi kiến nghị lên Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), qua đó đề xuất Vitas kiến nghị với Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) hướng dẫn rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ ở diện “nghỉ việc không hưởng lương" thay vì diện “lao động ngừng việc”, để người lao động có điều kiện tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19.
Theo đó, Dovitec cho rằng, kể từ ngày 22/7/2021 thực hiện văn bản 8423/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 20/7/2021 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì hệ thống Dovitec với tổng số 8.300 người phải áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" hoặc nghỉ “tạm dừng hoạt động sản xuất".
Thời điểm đó Dovitec có được Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai phê duyệt cho Công ty tổ chức "3 tại chỗ" là 200 người/2.500 lao động tại cơ sở ở Khu công nghiệp Amata - Biên Hòa. Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Đồng Nai phê duyệt cho Xí nghiệp May 3 tổ chức "3 tại chỗ" là 600 người/1.300 người tại huyện Trảng Bom, duyệt cho Xí nghiệp May 4 tổ chức 3 tại chỗ là 300 người/7.00 người tại huyện Long Thành và duyệt cho Công ty CP Đồng Phú Cường tổ chức 3 tại chỗ là 87 người/3.800 người tại huyện Định Quán. Ngoài số lao động được duyệt, toàn bộ số lao động còn lại của Dovitec đều phải nghỉ việc do giãn cách, phong tỏa hay không thể thực hiện“3 tại chỗ" được.
Hơn 7.700 công nhân Công ty CP Đồng Tiến phải nghỉ việc do COVID-19.
Trong thực tế, quá trình triển khai thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” thì cơ sở tại trụ sở chính ở Khu công nghiệp Amata không thể tổ chức được “3 tại chỗ” đủ 200 người (chỉ có một số nhân sự thực hiện công việc cấp bách, khẩn thiết như bảo vệ, giao nhận hàng, lái xe, bốc xếp khoảng trên 50 người), còn lại thì toàn bộ khu vực này công ty phải nghỉ “tạm dừng hoạt động sản xuất". Xí nghiệp May 3 sau thời gian thực hiện cũng giảm số lượng “3 tại chỗ” chỉ còn khoảng 230 người, Xí nghiệp 4 cũng chỉ còn khoảng 200 người, Công ty CP Đồng Phú Cường đi làm 87 người. Tất cả số lao động còn lại đều phải “nghỉ việc không hưởng lương” do Công ty và Xí nghiệp phải “tạm dừng hoạt động sản xuất” phần lớn toàn Công ty (trừ 1 bộ phận nhỏ làm việc tại chỗ).
Áp dụng quy định tại Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Dovitec lập danh sách tổng cộng khoảng 7.710 người phải “nghỉ ngừng việc" theo Khoản 3 Điều 99 Bộ Luật lao động để Công ty đã trả lương ngừng việc 14 ngày, nhưng sau đó do thời gian gian cách phải kéo dài thêm 4 lần nên người lao động phải tiếp tục “nghỉ việc không hưởng lương” - điều này được thỏa thuận giữa Công ty và người lao động theo khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, hiện nay theo hướng dẫn của Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai thì doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện được hưởng hỗ trợ cho người lao động bằng chính sách “nghỉ việc không hưởng lương” để có hỗ trợ cao hơn (3.710.000 đồng hay 1.855.000 đồng) theo Chương IV của Quyết định 23, mà hướng dẫn công ty chỉ làm thủ tục hỗ trợ cho người lao động bằng chính sách “Lao động ngừng việc” với mức hỗ trợ thấp hơn (chỉ 1.000.000 đồng/1 người) theo Chương V của Quyết định 23.
Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho rằng doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” tức là vẫn hoạt động sản xuất chứ không thuộc diện “tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Do vậy, người lao động vì lý do nào đó không thực hiện làm việc “3 tại chỗ” cùng doanh nghiệp được mà phải “nghỉ việc không hưởng lương” thì hưởng chính sách hỗ trợ “lao động ngừng việc”.
Xét thấy việc hướng dẫn áp dụng của Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai là chưa thỏa đáng, cũng như chưa vận dụng đúng tinh thần “hiểu linh hoạt, đơn giản và hiệu quả nhất" trong việc hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 như hướng dẫn của Bộ LĐTBXH theo Văn bản số 2844/LĐTBXH-PC ngày 25/8/2021, Dovitec đã đề nghị Vitas kiến nghị với Chính phủ và Bộ LĐTBXH hướng dẫn rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ ở diện “nghỉ việc không hưởng lương" thay vì diện “lao động ngừng việc” để người lao động có điều kiện tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 năm 2021.
Dovitec đưa ra 4 lý lẽ cho đề xuất của mình như sau:
Thứ nhất, Dovitec cho rằng, doanh nghiệp đông lao động như ngành dệt may với hàng nghìn lao động, khi gặp đại dịch thì không thể tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” cho toàn thể lao động với điều kiện ăn, ở, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn dịch bệnh cho hàng nghìn người được. Chỉ có doanh nghiệp sử dụng máy móc thiết bị là chính, ít lao động thì có thể tổ chức 100% lao động “3 tại chỗ". Do đó, với đặc thù này thì các doanh nghiệp dệt may chỉ tổ chức được 1 phần làm “3 tại chỗ”, còn lại thì đều phải coi là doanh nghiệp “tạm dừng hoạt động sản xuất" để phòng chống dịch. Như hệ thống Dovitec có 8.300 người thì chỉ có khoảng 517 người có thể sản xuất “3 tại chỗ".
Thứ hai, yếu tố doanh nghiệp phải “tạm dừng hoạt động sản xuất theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” vẫn hoàn toàn hợp lý. Vì thực sự mỗi địa phương phía Nam trong thời gian qua đều có văn bản chung quy định “giãn cách xã hội” toàn tỉnh/thành, khi doanh nghiệp không đáp ứng “3 tại chỗ" thì đều có cơ sở để “tạm dừng hoạt động sản xuất”. Tức là áp dụng tạm dừng theo văn bản chung của toàn tỉnh, chứ thực tế các địa phương không có quyết định riêng cho từng doanh nghiệp nào phải tạm dừng hoạt động. Việc Sở LĐTBXH Đồng Nai yêu cầu phải có quyết định riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho doanh nghiệp “tạm dừng hoạt động" là bất khả thi.
Thứ ba, việc doanh nghiệp đầu tiên áp dụng chính sách “trả lương ngừng việc" theo khoản 3 Điều 99 Bộ Luật Lao động là hợp lý vì đây là chế độ đã được quy định rất rõ trong Bộ luật Lao động (buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi có điều kiện “nghỉ ngừng việc” xảy ra). Tuy nhiên, sau đó việc “nghỉ ngừng việc” kéo dài mãi để phòng dịch thì phải chuyển tiếp qua chế độ “nghỉ việc không hưởng lương” hoặc “tạm hoãn hợp đồng lao động". Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động. Không thể lý giải do doanh nghiệp đã trả lương ngừng việc thì người lao động chỉ hưởng chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc theo Chương V của Quyết định 23.
Thứ tư, trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn hiện nay của người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động có tham gia BHXH, có tham gia đóng góp lớn cho ngành kinh tế mà không được xét hỗ trợ ở mức cao thì sẽ không công bằng với lao động không hợp đồng lao động mà xã hội và nhà nước vẫn quan tâm hỗ trợ. Đây là một sự bất hợp lý trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo