Hỗ trợ doanh nghiệp

COVID-19 làm con đường khởi nghiệp sáng tạo càng thêm chông gai

DNVN - Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp làm con đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vốn khó khăn lại càng thêm chông gai. Nhưng trong nguy có cơ, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm để vươn lên, để kiến tạo tương lai.

Sắp diễn ra Ngày hội Cố đô khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 - Techfest Hue 2021 / Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế trao giải thưởng riêng cho Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 28/9, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tổng kết kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020.

dự án “Nâng cao giá trị kinh tế và thương mại hóa các sản phẩm từ cây Atiso đỏ tại Thừa Thiên Huế” của Công ty TNHH MTV SXTM&DV HICHAGOL

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm dự án KNĐMST “Nâng cao giá trị kinh tế và thương mại hóa các sản phẩm từ cây Atiso đỏ tại Thừa Thiên Huế” của Công ty TNHH MTV SXTM&DV HICHAGOL.

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cho biết, KNĐMST được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.

Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST là vấn đề đang được các cấp, ban, ngành quan tâm. Tại Thừa Thiên Huế, hoạt động hỗ trợ KNĐMST có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa, đã tạo được những điểm sáng, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp hình thành các sản phẩm và phát triển bền vững trên thị trường, tham gia và đạt giải tại các cuộc thi vùng trong năm 2018.

Đặc biệt, có dự án đã vươn sản phẩm khởi nghiệp đến thị trường Mỹ, Châu Âu… với một số dự án nổi bật như: Dự án “Gia vị bún bò và các sản phẩm khai thác giá trị tài sản trí tuệ thương hiệu bún bò Huế” của Công ty TNHH SX&TM YESHUE; dự án “Nâng cao giá trị kinh tế và thương mại hóa các sản phẩm từ cây Atiso đỏ tại Thừa Thiên Huế” của Công ty TNHH MTV SXTM&DV HICHAGOL.

Hay dự án “Phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại Làng cổ Phước Tích” của Công ty TNHH MTV Hữu Cơ Huế Việt; dự án “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang” của Công ty TNHH MTV SXTM&DV Xưa.

 

Với những nỗ lực trong phát triển hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế còn được ghi nhận tại Techfest vùng Bắc Trung Bộ năm 2018 (tại Nghệ An); Techfest vùng Duyên hải miền Trung và Tây nguyên (tại Huế), khi dự án của tỉnh đã vinh dự đoạt giải nhất: Dự án “Gia vị bún bò và các sản phẩm khai thác giá trị tài sản trí tuệ thương hiệu bún bò Huế” và dự án “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang”.

“Phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại Làng cổ Phước Tích” của Công ty TNHH MTV Hữu Cơ Huế Việt

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tham quan, tìm hiểu các sản phẩm của dự án khởi nghiệp “Phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại Làng cổ Phước Tích” của Công ty TNHH MTV Hữu Cơ Huế Việt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hoạt động hỗ trợ KNĐMST đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phương, huy động được nhiều thành phần xã hội cùng tham gia.

 

Từ đó, nhận thức và tư duy về khởi nghiệp của các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao. Công tác liên kết, hợp tác khởi nghiệp được đẩy mạnh, cộng đồng khởi nghiệp tỉnh ngày càng phát triển và kết nối tốt với các cộng đồng khởi nghiệp trong vùng và cả nước.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: Cộng đồng khởi nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các bên liên quan và không đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết để chủ động bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng và phát triển hoạt động khởi nghiệp của mình.

Công tác hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án KNĐMST chưa mang tính đột phá, chưa phát huy được các giá trị tài sản trí tuệ dựa trên các sáng chế, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để khởi nghiệp hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc thương mại hóa hiệu quả nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chưa phát triển mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST giai đoạn 2016-2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST giai đoạn năm 2016-2020.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, làm con đường khởi nghiệp sáng tạo vốn khó khăn lại càng thêm chông gai. Việc đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức sinh hoạt, làm việc và tương tác không còn là lựa chọn, mà trở thành bắt buộc.

“Nhưng trong nguy có cơ, trong gian nan, thách thức có hy vọng, phát triển. Thách thức trở thành động lực phát triển mới, đặc biệt đối với doanh nghiệp KNĐMST. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm để vươn lên, để kiến tạo tương lai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhắn nhủ.

Tại hội nghị, 9 cá nhân và 9 tập thể đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Đề án Cố đô Khởi nghiệp

 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền và các hoạt động để thúc đẩy phong trào KNĐMST. Các doanh nghiệp khởi nghiệp phải có sự thay đổi nhanh chóng về nhận thức và tư duy, nếu chậm chân trong cuộc đua chuyển đổi số, sẽ nhanh chóng bị đào thải, nhường chỗ cho những doanh nghiệp linh hoạt và nhạy bén hơn.

Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trường đại học đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, cần tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về KNĐMST cho lực lượng sinh viên các trường và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ KNĐMST. Đồng thời chú trọng hình thành phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và liên kết với các hệ sinh thái các tỉnh thành, của quốc gia và khu vực.

Thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn đặc biệt là các doanh nghiệp trên các lĩnh vực như CNTT, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… để thúc đẩy nền kinh tế tại địa phương đi theo xu hướng nền kinh tế xanh, bền vững.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm