Hỗ trợ doanh nghiệp

ĐBSCL: Dự báo giá nhiều loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao

DNVN- Chỉ trong vòng vài tuần qua, giá các loại phân bón tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng 9 -36%. Giá các loại phân bón đều đạt kỷ lục cao chưa từng có khiến cho nhà nông vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Quy chuẩn công nghiệp thực phẩm doanh nghiệp cần biết khi xuất khẩu sang Anh / Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, cho doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19

Giá phân bón như Urê, DAP, Kali … tại vùng ÐBSC trong vài tuần qua đã tăng mạnh thêm từ 40.000-100.000 đồng/bao (50kg) so với 2 tuần trước.

Hiện giá các loại phân Urê (đạm) như Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Cà Mau và Urê Ninh Bình tại cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… ở mức 900- 950 nghìn đồng/bao, trong khi hồi đầu năm giá chỉ ở mức 320- 350 nghìn đồng/bao. Còn giá DAP Ðình Vũ và DAP nhập khẩu từ Trung Quốc và Philippines đang ở mức từ 980 nghìn-1.350 nghìn đồng/bao, trong khi hồi đầu năm giá chỉ khoảng 570-630 nghìn đồng/bao. Giá các loại Kali ở mức từ 840- 880 nghìn đồng/bao, tăng hơn gấp đôi so với hồi đầu năm. NPK 16-16-8 Việt Nhật tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở mức 750- 800 nghìn đồng/bao; NPK 20-20-15 Con Cò, NPK 20-20-15 Ðầu Trâu và NPK 20-20-15 có giá 900- 940 nghìn đồng/bao, tăng hơn 300 nghìn đồng/bao so với hồi đầu năm…

Trên thị trường quốc tế, giá UAN28 trung bình hiện cao hơn 36% so với cách đây một tháng, đạt 545/tấn; UAN32 tăng 32% lên 604 USD/tấn, trong khi urea (urê) tăng 26% đạt 820 USD/tấn, tất cả đều đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Riêng thị trường trong nước, giá phân bón tăng cao cũng đang gây lo ngại cho bà con nông dân khi chuẩn bị vào vụ mùa cuối năm, do chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp càng tăng thì lợi nhuận càng giảm. Giá một số loại phân bón trong nước trong một năm qua đã tăng gấp đôi, trong đó loại phân bón hỗn hợp NPK 3 màu hiện có giá hơn 900 nghìn/bao (50kg), loại 1 màu (nhập khẩu) cao cấp có giá từ 1,05-1,2 triệu đồng/bao. Riêng các loại phân đơn như: phân đạm, lân, Kali tăng từ 9 nghìn đồng/kg lên 18 nghìn đồng/kg, phân hỗn hợp D.A.P từ 12 nghìn đồng/kg tăng 25 nghìn đồng/kg…Bên cạnh đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 15-20% giá so với trước.

Người nông dân tại vùng ĐBSCL sẽ càng khó khăn khi giá phân bón tiếp tục tăng .

Người nông dân tại vùng ĐBSCL sẽ càng khó khăn khi giá phân bón tiếp tục tăng.

Theo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, giá nhiều loại phân bón có khả năng còn tăng và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới do chi phí sản xuất, vận chuyển tăng và ảnh hưởng bởi giá thế giới tăng. Ðồng thời, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang tăng do các địa phương bước vào vụ sản xuất đông xuân 2021-2022. Hiện nay, giá bán Urê, DAP và nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới đã tăng rất mạnh và nhiều nước cũng đã hạn chế xuất khẩu phân bón. Nước ta đã tự chủ sản xuất phân bón Urê có dư để xuất khẩu nhưng phân bón kali phải nhập khẩu 100%. Các loại DAP và nguyên liệu để sản xuất nhiều loại phân bón khác, nhất là phân bón NPK cũng phải nhập khẩu.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong cơ cấu chi phí sản xuất lúa gạo, chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm gần 50%. Với diện tích gieo sạ vụ cuối năm dự kiến, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ cần khoảng hơn 160 nghìn tấn lúa giống. Về phân bón, dự tính nhu cầu phân URE hơn 300- 560 nghìn tấn lân, 77 nghìn tấn Kali cộng với hơn 450 nghìn tấn phân hỗn hợp.

Tình trạng vật tư đầu vào tăng cao như hiện nay đã khiến cho nhà nông vốn đã khó khăn lại khó khăn thêm, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 cả trong sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản.

Mai Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm