Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp gấp rút quy hoạch vùng trồng, đón đầu xuất khẩu xanh

DNVN - Với quy định của EU về chuỗi cung ứng hàng hoá không gây phá rừng (EUDR), một số doanh nghiệp Việt Nam đã gấp rút quy hoạch vùng trồng để tuân thủ quy định, tiếp cận thị trường tiềm năng nhưng khó tính này.

30 doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tại đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng / Hội nghị xúc tiến thương mại Việt Nam - Thái Lan thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Những thách thức lớn

Tháng 6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố quy định về chuỗi cung ứng hàng hoá không gây ra phá rừng, được gọi là quy định ngăn chặn phá rừng (EUDR). Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 và sẽ bắt đầu được áp dụng từ cuối năm 2024 và giữa năm 2025 tùy theo quy mô của doanh nghiệp (DN).

EUDR ra đời trong bối cảnh rừng trên toàn thế giới đang bị tàn phá nghiêm trọng vì mục đích sản xuất hàng hoá, bao gồm đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê và các sản phẩm liên quan như đồ da, sô-cô-la, lốp xe, và đồ gỗ.

EU là một thị trường rộng lớn và quan trọng đối với các sản phẩm nông sản và hàng hoá từ Việt Nam. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đạt trên 53 tỷ USD, với các sản phẩm chủ lực bao gồm cà phê, cao su và gỗ.

Theo giới chuyên gia, con số 53 tỷ USD xuất khẩu sang châu Âu ghi nhận trong năm 2023 có thể tăng lên nhiều lần nếu DN Việt Nam tuân thủ các quy định của thị trường khó tính này.


Với EUDR, các doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm không gây mất rừng, thông qua các báo cáo giải trình và phân tích nguy cơ.

Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định EUDR đang đặt ra những thách thức lớn cho các DN Việt. Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, một trong những thách thức chính là yêu cầu truy xuất nguồn gốc vật lý đến từng vườn trồng, đòi hỏi 100% sản phẩm phải có định vị GPS. Điều này đòi hỏi các DN phải chứng minh sản phẩm của mình không gây mất rừng, thông qua các báo cáo giải trình và phân tích nguy cơ. Dù vậy, chi phí cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, và chuỗi giá trị phức tạp đang làm cho việc đáp ứng các yêu cầu này trở nên khó khăn.

Cũng theo ông Kiên, ngoài việc truy xuất nguồn gốc, EUDR còn đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố như quyền sử dụng đất, lao động, và thu nhập. Với hệ thống định vị còn yếu kém và chi phí cao, DN Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại EU, nơi các đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng đáp ứng các quy định mới.

Chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất

Trước những thách thức này, các DN Việt Nam đã và đang nỗ lực điều chỉnh hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng của mình để thích ứng với EUDR. Theo đó, một DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã gấp rút quy hoạch vùng trồng để đáp ứng yêu cầu và chinh phục thị trường châu Âu.

HTX Kim Thông đang tìm hiểu và gửi mẫu sản phẩm giàu chất sắt chiết xuất từ hạt sachi sang một số nước châu Âu như Tiệp Khắc, Đức. Để có thể tuân thủ quy định chống phá rừng của châu Âu, DN đã chọn nguyên liệu được trồng hoàn toàn trên đất nông nghiệp.

"Chúng tôi không sử dụng đất rừng mà lấy đất nông nghiệp trồng thử nghiệm cũng như trồng liên kết tại Hoà Bình, Lai Châu và Sơn La", bà Đỗ Thị Kim Thông - Chủ tịch HĐQT HTX Thương mại Dịch vụ, Du lịch và XNK Kim Thông cho biết.

Tương tự, bà Hạ Quyên - PGĐ Công ty CP Công nghệ Xanh toàn cầu cho rằng, với quy định của EU về EUDR, về lâu dài quy hoạch vùng nguyên liệu là bài toán các DN phải tính đến. Theo đó, DN đã và đang tập trung vào Tây Nguyên và một vài vùng đồng bằng ở phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Song, theo phản ánh của DN cũng như giới chuyên gia, DN chưa nắm rõ những quy định cụ thể, những tiêu chí cần tuân thủ của EU về EUDR. Do vậy, DN kiến nghị cơ quan quản lý đẩy mạnh tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh để giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch, biện pháp và lộ trình điều chỉnh các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, duy trì cũng như phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh mới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nắm vững và tuân thủ quy định của EU, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh. Các chương trình này giúp DN hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của EUDR, từ đó chuẩn bị kế hoạch sản xuất và chuỗi cung ứng phù hợp.

Theo ông Hoàng Thành - Quản lý chương trình Ban Hợp tác Phát triển Phái đoàn EU tại Việt Nam, EU cũng đã triển khai các dự án hỗ trợ DN nâng cao năng lực và nhận thức về EUDR. Trong đó, Việt Nam là một trong những đối tác tham gia dự án. Một phần trong khoản ngân sách trị giá khoảng 3 - 3,5 triệu Euro được dành cho các hoạt động tại Việt Nam.

Cũng theo ông Thành, để đối phó với các thách thức từ EUDR, Việt Nam cần có một khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định này. Bao gồm việc thành lập liên minh công tư để chia sẻ thông tin và bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống rừng và sản xuất đáp ứng EUDR. Ngoài ra, cần có các chương trình tuyên truyền, vận động, cũng như các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ DN trong việc tuân thủ quy định của EU.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm