Doanh nghiệp xăng dầu lúng túng với quy định lấy hàng từ 3 nguồn
Quần thể khu du lịch PiNi Đà Lạt xác lập kỷ lục châu Á / Triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Lúng túng với quy định lấy hàng từ 3 nguồn
Ngày 17/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Một trong những điểm mới của Nghị định 80 so với Nghị định 95 và 83 là cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa 3 nguồn, thay vì chỉ một nguồn duy nhất như quy định cũ.
Theo Bộ Công Thương, quy định này nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 và công tác chuyển đổi số ngành xăng dầucủa Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) diễn ra mới đây, ông Lê Thanh Mân - Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp cho biết, quy định đại lý được lấy 3 nguồn đang rất khó thực hiện. Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nên các doanh nghiệp đang rất loay hoay trong việc xác định trách nhiệm của nhà cung cấp, giá bán, biển hiệu tại cửa hàng...
Ngoài ra, theo ông Mân, yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phối trộn xăng E5 phải có phòng hóa nghiệm rất lãng phí. Lý do là có đơn vị 1 tháng bán 1000-2000m3 xăng E5 nhưng phải đầu tư phòng hóa nghiệm với chi phí hàng chục tỷ. Do đó, ông Mân đề nghị trong khi xây dựng Nghị định mới thì cần xem xét lại vấn đề này.
Doanh nghiệp nêu khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu.
Ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự lực I cho rằng, doanh nghiệp đang rất cần hướng dẫn từ Bộ Công Thương về vấn đề đại lý được lấy 3 nguồn.
Khó khăn khác là Sở Công Thương yêu cầu doanh nghiệp chỉ đủ điều kiện được phép bán lẻ xăng dầu khi nhân viên bán lẻ xăng dầu có chứng chỉ môi trường. Trong khi đó, hiện nay Bộ TN&MT đã bãi bỏ chứng chỉ nói trên, dẫn đến việc doanh nghiệp bị mắc kẹt ở giữa và bị xử phạt.
Là một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ông Đoàn Minh Quang - Chủ tịch Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ cũng cho biết đang lúng túng với quy định đại lý được lấy 3 nguồn.
Cần chuẩn bị trước khi triển khai xuất hoá đơn điện tử từng lần bán hàng
Về chi phí của việc dự trữ xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Chín - Giám đốc Công ty CP Vật tư Xăng dầu Hải Dương chia sẻ, theo quy định, các đầu mối phải dự trữ 20 ngày nhưng trong Nghị định không hề đề cập đến chi phí của việc dự trữ 20 ngày như chi phí thuê kho, hao hụt, lãi vay…
Do đó, ông Chín kiến nghị nên bổ sung chi phí xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng vào cơ cấu giá cơ sở. Nghị định mới nên mang tính thị trường hơn, trao lại quyền quyết định giá bán cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề hóa đơn điện tử, ông Chín cho biết, hiện doanh nghiệp đối mặt với vướng mắc nhưng cơ quan quản lý Nhà nước chưa tháo gỡ.
“Điển hình như cột bơm cũ lắp thêm bộ phận mới để tích hợp được số liệu, truyền dữ liệu vào máy tính để xuất hóa đơn thì hiện nay Chi cục Đo lường không kiểm định cột bơm đó với lý do cột bơm chưa được phê duyệt mẫu cột bơm”, Giám đốc Công ty CP Vật tư Xăng dầu Hải Dương phản ánh.
Giám đốc Công ty Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái, bà Nguyễn Thị Sinh bày tỏ mong muốn có thêm thời gian để lắp đặt và đồng bộ các thiết bị, phần mềm phục vụ cho việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch VINPA đánh giá, việc Bộ Tài chính, cơ quan thuế không quy định cụ thể phương thức, quy cách, thiết bị đấu nối hóa đơn điện tử như hiện nay cũng giúp doanh nghiệp tự chủ động thực hiện sao cho phù hợp với quy mô và tiềm lực của doanh nghiệp, miễn là bảo đảm việc xuất hóa đơn theo từng lần bán.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch VINPA.
Ông Bảo yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ Tài chính.
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá cao vai trò của VINPA trong việc góp ý cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bà Hiền mong muốn VINPA tiếp tục tích cực tham gia với Bộ Công Thương trong việc xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định hiện hành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp cũng như tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ dự kiến sẽ ban hành công văn hướng dẫn Nghị định 80/2023/NĐ-CP thay vì thông tư hướng dẫn để bảo đảm tính kịp thời.
Liên quan đến phần mềm quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, bà Hiền nhận định đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, có nhiều vấn đề cần điều chỉnh khi các doanh nghiệp khai báo còn chưa nghiêm túc, số liệu chưa đầy đủ.
Vị này đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn thì kịp thời báo cáo Bộ Công Thương để được hỗ trợ, giải đáp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo